Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 4

1497 Lượt xem

Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 4

Nghe sâu, hiểu thấu, thương nhiều

Trong mối quan hệ giao tiếp ứng xử với nhau, việc chú tâm lắng nghe khi người kia đang nói là sự kiện hết sức quan trọng, không thể lơ là, hời hợt. Nếu trong khi nghe mà bạn thiếu sự chú tâm và không suy ngẫm những điều người kia nói, thì cuộc đối thoại ấy chẳng mấy đem lại kết quả tốt đẹp. Bởi người nói cảm thấy như mình bị tách biệt ra khỏi cuộc đàm thoại, cho nên họ chẳng muốn chia sẻ hết những ý tưởng sâu kín và quan trọng đối với bạn. Và như thế, vô tình bạn tự hạn chế sự cảm thông, lòng thương yêu của mình đối với mọi người chung quanh. Do đó, việc bạn chú tâm lắng nghe một cách trọn vẹn là yếu tố cần thiết để tạo ra sự thấu hiểu, tin cậy cho cả hai phía. Và đây chính là chất liệu để bạn phát huy sự hiểu biết và tình thương yêu rộng lớn.

Trong giáo điển Phật giáo Đại thừa, có nhiều bộ kinh đề cập đến Bồ- tát Quán Thế Âm, như Kinh Pháp hoa, Kinh Thủ-lăng-nghiêm… Quán Thế Âm là một vị Bồ-tát có tâm từ bi lớn và có khả năng lắng nghe tất cả những tiếng kêu của chúng sinh để cứu khổ và ban vui. Bất cứ người nào muốn được bình an, nghiệp chướng tiêu trừ thì thường xuyên nhất tâm xưng danh hiệu của Ngài sẽ được vượt thoát mọi tai ách khổ nạn. Ngài có khả năng hóa hiện ra nhiều hình tướng khác nhau, từ thân Phật cho đến thân trời, người, A-tu-la… để tùy duyên thuyết pháp. Vì hạnh nguyện của chư vị Bồ-tát là lợi tha, cho nên ở nơi nào có chúng sinh đau khổ thì các Ngài sẽ ứng thân để cứu độ.

***** Mục Lục *****

Mời nghe đọc tiếp phần: Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 1

Mời nghe đọc tiếp phần: Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 2

Mời nghe đọc tiếp phần: Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 3

Mời nghe đọc tiếp phần: Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 4

Mời nghe đọc tiếp phần: Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 5

Mời nghe đọc tiếp phần: Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 6

===== hết mục lục ===

Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 4
Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 4

Bồ-tát Quán Thế Âm biểu trưng cho đức tính từ bi và hạnh lắng nghe viên mãn vốn có trong mỗi con người. Nếu bạn biết lắng nghe với tâm từ bi mà không phán xét, không phản ứng và có thể thấu hiểu được tâm trạng của người đang nói, thì đó chính là hành động của một vị Bồ-tát.

Và điều đó bạn có thể thực hiện được ngay trong cuộc sống hàng ngày, nếu bạn biết lắng nghe cho sâu sắc.

Khi bạn quan sát, lắng nghe mọi âm thanh đang diễn ra từ trong tâm thức của mình cho đến hoàn cảnh bên ngoài với thái độ trầm tĩnh và sáng suốt, không vướng mắc hay loại trừ bất cứ điều gì, thì đó chính là nội dung thâm sâu của danh hiệu Quán Thế Âm. Thông thường khi nghe một ai đó nói với giọng điệu khô khan, cộc lốc, thiếu nhã nhặn thì ta phản ứng bằng sự bực bội và không muốn nghe. Nhưng, nếu gặp người nói lời nhẹ nhàng, ngọt ngào và chân thật, ta liền ưa thích và quý mến. Với cái nghe chọn lựa, hời hợt như thế, bạn sẽ không thấu hiểu được tâm trạng của người đang nói. Và sau mỗi lần giao tiếp như vậy, rất dễ tạo ra sự nghi ngờ, hiểu lầm nhau và dẫn đến tình cảm bị đổ vỡ, chia lìa.

Trong sách Nhật tụng thiền môn năm 2000, Thiền sư Nhất Hạnh có chỉ dẫn quán nguyện theo hạnh lắng nghe của Bồ-tát Quán Thế Âm rất sâu sắc và thiết thực:

Lạy Đức Bồ-tát Quán Thế Âm, chúng con xin học theo hạnh Ngài, biết lắng tai nghe cho cuộc đời bớt khổ. Ngài là trái tim biết nghe và biết hiểu. Chúng con xin tập ngồi nghe với tất cả sự chú tâm và thành khẩn của chúng con. Chúng con xin tập ngồi nghe với tâm không thành kiến. Chúng con xin tập ngồi nghe mà không phán xét, không phản ứng. Chúng con nguyện tập ngồi nghe để hiểu.

Chúng con xin nguyện ngồi nghe chăm chú để có thể hiểu được những điều đang nghe và cả những điều không nói. Chúng con biết chỉ cần lắng nghe thôi, chúng con cũng đã làm vơi bớt rất nhiều khổ đau của kẻ khác rồi. (tr.55-56)

Nội dung của lời quán nguyện thật là cụ thể và rõ ràng. Nếu bạn để hết tâm ý vào cuộc đàm thoại, lắng nghe sâu sắc những gì người kia đang nói, thì bạn sẽ thấu hiểu được cả những điều mà người ấy chưa nói. Để từ đó, bạn dễ dàng an ủi động viên và chỉ dẫn cho họ có một hướng đi sáng đẹp, với cái nhìn tích cực trong cuộc sống. Do đó, chỉ cần thực tập lắng nghe cho sâu sắc là bạn có thể phát huy khả năng hiểu biết và thương yêu như Đức Bồ-tát Quán Thế Âm.

== Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 4 ==

Thực tế cho thấy, mỗi khi tiếp chuyện với người thân trong gia đình hay bạn bè, nhiều lúc ta vẫn chưa thực sự để tâm lắng nghe một cách trọn vẹn. Ta hờ hững và xem thường khi đoán biết người kia muốn nói điều gì. Họ nói ra chưa hết câu thì ta đã cắt lời và lên giọng oán trách, bắt lỗi hoặc tùy tiện bỏ đi. Có lẽ chính vì lòng tự ái, vì danh dự cho nên ta đã dùng quyền lực ngăn chặn lại không cho người kia nói hết sự thật. Lối hành xử như thế tạo ra sự ức chế trong lòng họ và chính bản thân của ta cũng bị cắn rứt lương tâm không kém. Thói quen này được lặp đi lặp lại nhiều lần và ít khi ta chịu nhìn lại để được lắng nghe, để thấu hiểu và thương tưởng đến những người chung quanh đang còn gặp nhiều khó khăn, đau khổ.

Có một bản thiền ca với ca từ mộc mạc, giản dị có thể giúp cho người nghe vừa thư giãn thân tâm lại vừa có khả năng chuyển hóa những phiền muộn lo âu trong cuộc sống.

“Ai nói gì thì mình cứ nghe

Nghe sâu, hiểu thấu, thương nhiều Buồn chi mà ba bốn bữa

Cho tâm tư héo sầu

Ta cười ta thở thật sâu

Nỗi buồn tan biến thật mau Tang tình, tang tính, tình tang Tang tình, tang tính, tình tang”. (Nhạc Làng mai)

Dù chỉ vỏn vẹn mấy câu thôi nhưng hàm chứa được nhiều ý nghĩa thâm sâu, mỗi khi hát lên sẽ giúp cho người nghe dễ dàng buông bỏ những mối lo toan, sầu khổ. “Ai nói gì thì mình cứ nghe”, cái nghe này không phải là nghe qua loa, nghe cho xong chuyện hoặc gượng gạo lắng nghe để khỏi mất lòng người đang nói, mà chính là nghe như vậy (như thị). Nghĩa là, người ta nói như thế nào thì bạn tiếp nhận y như thế đó, chứ không chọn lựa ưa thích hoặc ghét bỏ loại trừ. Cái nghe này hoàn toàn vắng mặt các ý niệm khen chê, đúng sai, hay dở, phán xét… Khi bạn buông bỏ được thói quen phản ứng này thì tuệ giác và lòng từ bi tức thời hiện hữu. Thật rõ ràng, lắng nghe sâu mới có thể hiểu thấu nguồn cơn, và khi hiểu được bản tính của người ấy rồi thì ta sẽ dễ dàng cảm thông và thương được họ.

Tuy nhiên, để có khả năng lắng nghe được như vậy đòi hỏi bạn cần phải biết trở về với chính mình và nhận diện rõ từng hoạt dụng của tâm ý. Khi tâm hồn rỗng lặng và sáng suốt thực sự, thì bóng tối của phiền não khổ đau không thể xâm chiếm được bạn.

== Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 4 ==

Cùng với ý nghĩa này, Đức Thế Tôn dạy rằng:

“Giả sử kẻ muốn hại Xô vào hầm lửa lớn Do sức niệm Quán Âm

Hầm lửa biến thành ao. Hoặc trôi dạt biển lớn Các nạn quỷ, cá, rồng Do sức niệm Quán Âm Sóng mòi chẳng chìm được. Hoặc ở chóp Tu-di

Bị người xô rớt xuống Do sức niệm Quán Âm

Như mặt nhật treo không”.

(Kinh Pháp Hoa, HT. Thích Trí Tịnh, tr.546)

Quán Âm ở đây chính là chánh niệm tỉnh giác. Chánh niệm nghĩa là bạn trở về với chính mình, tỉnh giác là thấy rõ thân tâm và hoàn cảnh đang xảy ra trong hiện tại. Khi các tâm hành sân hận (hầm lửa), tham ái (sóng mòi), cống cao ngã mạn (chóp Tu-di) khởi lên thì bạn chỉ cần quan sát sự sinh diệt, đến đi của chúng, tức thời các tâm niệm ấy sẽ tự động tan biến. Đoạn kinh trên đã khẳng định rằng, mỗi khi bạn có chánh niệm tỉnh giác (do sức niệm Quán Âm) thì các ý niệm tham sân si, ngã mạn¼ không thể ràng buộc và sai khiến bạn. Cho dù hàng ngày bạn phải tiếp cận với những sự việc bất như ý xảy ra, nhưng tâm hồn bạn vẫn an nhiên và tự tại.

Để được học theo hạnh lắng nghe và thương yêu rộng lớn như Bồ-tát Quán Thế Âm, bạn cần phải thường xuyên nhìn lại chính mình. Mỗi khi bạn biết trở về để quán sát thân tâm và hoàn cảnh đương tại, bạn sẽ thấy rõ sự sinh khởi và hoại diệt của các pháp. Để từ đó, bạn có cái nhìn sâu rộng hơn và thái độ ứng xử với mọi người chung quanh cũng trở nên nhẹ nhàng thân thiện, đem lại niềm an vui hạnh phúc cho tự thân và cho cuộc đời này.

== Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 4 ==

Thành tâm sám hối

Bất cứ ai hiện hữu trong cuộc đời này cũng đều có thể phạm phải những lỗi lầm, sai sót dù ít hay nhiều. Bởi khi tâm ý mê mờ, thiếu sáng suốt thì mọi hành động, nói năng của ta rất dễ dàng vấp phải những lầm lỡ, sơ suất gây khổ đau cho bản thân và ảnh hưởng xấu đến với kẻ khác, đó là lẽ đương nhiên. Do vậy, thành tâm ăn năn các tội lỗi mà mình đã tạo ra và lập nguyện thận trọng đừng để những hành vi sai trái tiếp diễn là việc làm đáng được mọi người trân trọng, quý mến và noi theo!

Sám hối là hành động tích cực, hướng tâm về nẻo thiện, không chạy trốn sự thật và khao khát được sửa đổi bản thân để thăng hoa cuộc sống. Hay nói cách khác, sám hối là tẩy trừ các cấu uế tội lỗi bởi tham sân si che ám, giúp cho thân tâm trong sáng, an tịnh và mới mẻ. Sám là từ bỏ những lỗi lầm mà trước đó chúng ta đã vi phạm. Hối là phát nguyện từ nay về sau ta không bao giờ lập lại các hành vi thiếu ý thức như trước đây và đồng thời thay đổi cái nhìn tích cực, sâu rộng hơn đối với muôn loài trong thực tại. Như vậy, sám hối là việc làm cụ thể, thiết thực mà mỗi một con người cần phải thực thi, để đem lại lợi ích an vui cho tự thân và cho cuộc đời này.

Trong thực tế, có những người mắc phải tội lỗi nặng nề hầu như vô phương cứu chữa. Họ sống với tâm trạng sợ hãi lo âu, ăn không ngon ngủ chẳng được yên vì những cơn ác mộng kéo dài. Mặc dù họ có của cải vật chất dư thừa, nhưng đời sống thì lại cô đơn trống vắng, vì chẳng có ai muốn đến gần tiếp xúc và chuyện trò. Tuy nhiên, mọi thứ trên cuộc đời này đều có thể thay đổi, không có gì thực sự cố định cả. Do đó, đối với những người làm điều bất thiện nhưng họ biết thành tâm ăn năn hối cải và quyết chí tu hành thì vẫn có thể chuyển hóa được nghiệp xấu ác, trở thành một con người lương thiện hữu ích cho gia đình và xã hội!

Cùng với ý này, trong Kinh Trung Bộ II có đề cập đến sự kiện Đức Thế Tôn hóa độ cho tên sát nhân khét tiếng Angulimàla (Vô Não).

== Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 4 ==

Angulimàla là tên giết người không gớm tay, sau khi hạ sát, nó lại còn chặt ngón tay của người ta để xâu thành một tràng chuỗi và đeo vào cổ. Angulimàla chỉ sống đơn độc ở rừng núi, mỗi khi bóng dáng của nó xuất hiện trong thành phố thì dân chúng đều phải kinh hãi và lẩn tránh.

Hành động của Angulimàla quả thật độc ác, không một ai có thể chấp nhận và tha thứ. Nhưng may thay! Có lẽ Angulimàla đã gieo trồng phước đức từ nhiều kiếp lâu xa cho nên hôm nay anh ta may mắn gặp được Thế Tôn, và được Ngài khai thị về ý nghĩa đạo lý làm người. Nhờ vậy, Angulimàla có cơ hội sám hối tội lỗi đã gây tạo và phát nguyện xuất gia tu hành, sau một thời gian ngắn Angulimàla chứng được quả vị A-la- hán.

Thế giới ngày nay cũng có những hạng người điên loạn như thế, họ đi khủng bố khắp nơi, khiến cho dân chúng khắp nơi cứ mãi phấp phỏng lo âu, sợ hãi. Hiện nay, các nước trên thế giới ngoài việc đầu tư ngân quỹ để phòng chống bão lụt, động đất, sóng thần liên tục xảy ra, còn phải hao phí ngân quỹ khá nhiều vào việc ngăn ngừa nạn khủng bố chiến tranh, ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế toàn cầu. Thật là xót thương cho những hạng người mang phải nghiệp chướng nặng nề như thế! Giá mà các vị ấy biết ăn năn, sám hối tội lỗi như Angulimàla, buông bỏ khí giới và quay về nẻo thiện thì nhân loại sẽ được an bình hạnh phúc biết bao nhiêu!

“Bao nhiêu lầm lỗi cũng do tâm Tâm tịnh còn đâu giấu lỗi lầm Sám hối xong rồi lòng nhẹ nhõm

Ngàn xưa mây bạc vẫn thong dong”.

Đức Thế Tôn dạy rằng, có hai hạng người đáng được tán thán khen ngợi là kẻ có trí. “Này các Tỷ-kheo, có hai loại người có trí. Thế nào là hai? Người có phạm tội là thấy có phạm tội, và người chấp nhận người khác như pháp phát lộ tội của mình. Này các Tỷ-kheo, có hai loại người có trí này.” (Tăng Chi Bộ I, tr.114)

Thực chất, trừ các bậc Thánh đã toàn thiện, còn chúng ta, sống trong đời này không ai tránh khỏi lầm lỗi, vụng dại. Do đó, điều quan trọng là mỗi người phải tự nhận biết những hành động sai trái của mình đã gây tạo mà sám hối, chừa bỏ. Nguyện giữ tâm hồn cho trong sáng, dù chỉ một vết lỗi nhỏ nhặt cũng đừng để vi phạm thì đó chính là hành động của người có trí tuệ.

== Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 4 ==

“Chớ xem thường lỗi nhỏ Mà cho là không nguy Giọt nước nhỏ li ti

Dần dần đầy chum lớn”.

Tuy vậy, có không ít người vẫn thiếu ý thức về vấn đề này. Người ta không muốn hối lỗi, cầu tiến mà phó thác cuộc đời của mình cho số phận định đoạt. Khi tạo ra cái nhân xấu ác thì họ không biết nghĩ đến hậu quả phải trả ở ngày mai. Dù biết rằng, việc làm ấy hết sức tai hại nhưng họ vẫn cứ mặc nhiên tạo tác ác nghiệp, đến khi hệ quả khổ đau được hình thành thì người ta lại kêu trời trách đất và đổ lỗi cho số phận, do trời đã định¼ quả thật là mâu thuẫn. Mặt khác, có những người sám hối theo kiểu van xin cầu nguyện, họ tìm đến những nơi gọi là “linh thiêng” để cầu khẩn van xin, hoàn toàn nhờ vào tha lực với mục đích mong muốn được chạy tội. Những hành động mê mờ như thế chỉ tạo thêm cái lỗi lừa dối chính mình, khiến cho lòng tham muốn ngày càng bành trướng thêm hơn.

Thực ra, sám hối không phải là việc làm mang tính chất cầu khẩn van xin, mà phải thực sự thành tâm ăn năn sửa đổi lỗi lầm, biết hổ thẹn với chính mình khi lỡ gây tổn hại cho kẻ khác. Cụ thể hơn, chúng ta cần phải siêng năng học hỏi đạo lí, để thấu hiểu lời Phật dạy và thực hành trong mọi lúc mọi nơi. Khi đi đứng, lúc nằm ngồi, ăn cơm rửa bát, lái xe, quét dọn nhà cửa, kinh hành niệm Phật¼ chúng ta cần phải thường trực chánh niệm tỉnh giác để nhận biết các ý niệm sinh diệt, đến và đi.

Khi tâm hồn tĩnh lặng sáng suốt, ta sẽ phát hiện ra được đâu là ác pháp sinh khởi và đâu là thiện pháp, để từ đó mỗi lời nói và hành động của ta đều phát huy đúng mức với lẽ thật, đem lại lợi ích thiết thực cho tự thân và cho cuộc đời này.

Thiết nghĩ, là một con người thì ai cũng mong muốn được an vui hạnh phúc và ưa thích người khác thương yêu, quý trọng mình. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh nghiệp lực đẩy đưa khiến cho ta lâm vào tình trạng bế tắc nghèo khổ, túng thiếu và bất hạnh. Từ đó, ta chán ngán sự đời nên bỏ mặc cho số phận định đoạt và cuối cùng trở thành một con người hư đốn, vô nghĩa. Thực ra, bản chất của cuộc sống vốn dĩ vô thường; thân tâm và hoàn cảnh đều được thay đổi trong từng giây từng phút.

== Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 4 ==

Và chúng vận hành theo hai chiều hướng khác nhau, một là theo chiều hướng tiêu cực và thứ hai là tích cực. Nếu ta thường xuyên tiếp xúc với các đối tượng không lành mạnh thì sẽ đi theo chiều hướng tiêu cực và dĩ nhiên là dẫn tới khổ đau, hệ lụy. Ngược lại, theo chiều hướng tích cực là ta biết gần gũi và học hỏi với những người có phẩm chất đạo đức cao đẹp. Và chính vì quy luật thay đổi tự nhiên đó, nên những người nghèo khổ vẫn có thể giàu sang sung sướng, còn kẻ bất nhân, hung tàn cũng có thể trở nên hiền lương đạo đức. Miễn là, ngay trong hiện tại họ biết khắc phục những lỗi lầm và tiếp xúc với các bậc thiện tri thức thì chắc chắn đời sống của họ sẽ được chuyển đổi theo hướng đi sáng đẹp.

Để trở thành một con người lương thiện, sống đời hạnh phúc an vui, chúng ta cần phải thành tâm sám hối về những hành động lầm lỡ của mình bằng những việc làm cụ thể ngay trong đời sống thường nhật. Vận dụng hết khả năng của tự thân để làm lợi ích cho cuộc đời bằng cách bố thí tài vật cho kẻ cơ nhỡ thiếu thốn, cúng dường Tam bảo, hiến tặng niềm vui cho người¼ và vấn đề quan trọng hơn hết chính là sống chánh niệm tỉnh giác trong mỗi giây phút. Khi ta thực hành phước huệ song tu một cách trọn vẹn như thế thì nghiệp chướng tiêu trừ, thiện căn tăng trưởng, vượt thoát mọi ràng buộc khổ đau và đạt được niềm an vui giải thoát ngay trong đời sống này.

Quy y Tam bảo

Sống trên cuộc đời này, cho dù bạn có nhiều tiền bạc, nhà cửa nguy nga tráng lệ đến mấy chăng nữa thì vẫn cảm thấy trống vắng, buồn chán và không thỏa mãn. Bởi khi nào những cảm xúc lo lắng, sợ hãi, thương nhớ, giận hờn… vẫn còn ngự trị trong tâm chưa được chuyển hóa, thì bạn không thể tự do và an lạc. Chỉ trừ khi bạn biết trở về nương tựa Tam bảo để học hỏi và thực hành theo lời dạy của Đức Thế Tôn, thì đời sống của bạn mới thực sự an vui và hạnh phúc.

Quy y Tam bảo có nghĩa là bạn trở về nương tựa vào ba ngôi báu là Phật (Buddha), Pháp (Dhamma) và Tăng (Sangha). Phật là bậc đã giác ngộ viên mãn, chấm dứt khổ đau và giải thoát luân hồi sanh tử. Tình thương và sự hiểu biết của Đức Phật rất lớn, Ngài có khả năng hóa độ cho tất cả mọi người chuyển mê khai ngộ, tạo dựng một đời sống an lành hạnh phúc. Pháp là lời dạy của Đức Thế Tôn nói ra đúng với chân lý cuộc sống, giúp bạn thấy rõ gốc rễ của mọi vấn đề, nhằm điều chỉnh nhận thức sai lầm của mình và trở thành một con người lương thiện, hữu ích cho xã hội.

== Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 4 ==

Tăng là đoàn thể xuất gia gồm có từ bốn người trở lên, chung sống với nhau trong tinh thần hòa hợp và thanh tịnh. Các vị này có một nếp sống nhẹ nhàng, thanh thoát và tỉnh thức. Sứ mạng của họ là tiếp nối sự nghiệp trí tuệ và từ bi của Đức Phật để trao truyền lại cho chúng sinh bằng những kinh nghiệm thực chứng. Hành trạng của các vị ấy quả thật là cao quý, xứng đáng cho cả nhân loại này tôn kính và cúng dường, bởi không có Tăng thì chúng ta sẽ không thể hiểu lời dạy thâm sâu, quý báu của Đức Từ phụ Thích-ca Mâu-ni.

Chính vì sự hiện hữu của Tăng quan trọng đến như thế, cho nên Đức Thế Tôn dạy rằng:

Thánh chúng của Như Lai đang đi về nẻo thiện, đang đi trên đường chánh, đang hướng theo giáo pháp, đang thực tập theo giáo pháp và sống đúng tinh thần giáo pháp¼ Thánh chúng này đáng được tôn kính, đáng được quý trọng, đáng được phụng sự, đáng được cúng dường, và đó là ruộng phước tốt đẹp cho cuộc đời này.

(Nghi Thức Đại Toàn, Thiền sư Nhất Hạnh)

Như vậy, Tam bảo là nơi an ổn vững chắc, là đỉnh cao của hạnh phúc mà tất cả chúng sinh cần phải quy kính và nương tựa.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy có không ít người đến chùa quy y Tam bảo và thọ trì năm giới, nhưng họ vẫn chưa đủ phước duyên để học hỏi đạo lí một cách cặn kẽ; có thể vì hoàn cảnh khách quan hoặc chính bản thân họ thiếu sự phấn đấu để được tiếp nhận Chánh pháp. Cho nên họ chưa sống đúng với nội dung quy y Phật, Pháp và Tăng, vì thế những phiền não khổ đau vẫn cứ mãi bủa vây, đeo đẳng. Thực ra, khi bạn đến chùa làm lễ quy y chỉ là chọn cho mình một con đường để đi, chứ bạn chưa thực sự bước đi trên con đường sáng đẹp đó. Trừ khi bạn hiểu được lời Phật dạy và ứng dụng lời dạy ấy vào trong đời sống hàng ngày.

Có những người hiểu nhầm rằng, quy y Tăng là quy y với một vị thầy hay một sư cô nào đó, còn các vị ở chùa khác thì không cần biết đến. Do nhận thức sai lầm như thế, nên họ thiếu cơ duyên tiếp xúc với những vị thầy khác để được học hỏi đạo lí. Chúng ta phải hiểu rằng, Tăng là đoàn thể xuất gia từ bốn người trở lên, còn cá nhân của một vị Tỷ- kheo không thể gọi là Tăng. Việc quy y Tam bảo là tùy vào nhân duyên, hoàn cảnh sống của mỗi người để có thể nương tựa và học hỏi với một vị Tỷ- kheo nào đó, nhưng không phải chỉ duy nhất quy y vị ấy.

== Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 4 ==

Mặt khác, quy y không phải là nhờ thầy đặt cho bạn pháp danh, để rồi thỉnh thoảng bạn mới đến chùa lễ lạy cầu xin “mua may bán đắt”… Với hành động mê tín như thế, vô tình bạn đã tự tạo ra nghiệp xấu cho bản thân và ảnh hưởng không nhỏ đến những người muốn phát tâm quy hướng Tam bảo. Chúng ta đến với đạo Phật không phải là van xin cầu nguyện, mà đến để học cách sống như thế nào cho có an vui và hạnh phúc. Vì vậy, khi bạn đã biết trở về nương tựa Tam bảo thì cần phải tìm hiểu giáo pháp cho tường tận, để từ đó bạn có cái nhìn đúng đắn và thấu suốt được mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Ý nghĩa thâm sâu hơn của việc quy y Tam bảo ở đây chính là nương tựa vào ba đức tính sáng suốt (Phật), chân thật (Pháp) và thanh tịnh (Tăng) vốn sẵn có trong mỗi chúng ta, gọi là “tự quy y”. Thực ra, trong tâm thức của chúng ta vốn thanh tịnh, trong sáng nhưng vì vô minh ái dục che lấp nên cái thấy biết “như thật” về các pháp bị lu mờ. Do đó, để khai mở tuệ giác, bạn cần phải thường trực nhận diện và quan sát mọi hoạt dụng của thân tâm và hoàn cảnh đương tại. Khi tâm ý vắng lặng, an tịnh thì bạn sẽ thấy rõ được sự vận hành tương giao của các pháp, và với cái nhìn thông suốt như thế bạn mới thực sự là người quy y Tam bảo.

Nếu như mỗi hành động, lời nói và sự suy nghĩ của bạn vắng mặt tự tính thanh tịnh, chân thật và sáng suốt thì kể như bạn đã quy y vào bản ngã tham sân si. Và dĩ nhiên, đời sống của bạn luôn luôn sẽ bị phiền não khổ đau giam hãm, trói buộc. Vì vậy, quy y Tam bảo không phải là việc chú trọng về hình thức lễ nghi, mà đòi hỏi bạn phải biết cách để quán chiếu về thân, khẩu và ý của mình trong từng giây từng phút. Nếu bạn thực hành đúng như lời Phật dạy thì sẽ đạt đến đỉnh cao của hạnh phúc, không có gì cao quý hơn nữa nên gọi là “bảo”. Thiết nghĩ, cho dù mọi thứ trên thế gian này quý giá đến mấy chăng nữa cũng không thể nào giúp con người thoát khỏi khổ đau, chỉ có nương tựa vào Chánh pháp, nương tựa chính mình mới có thể tạo ra hạnh phúc miên viễn.

== Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 4 ==

Trở về nương tựa Tam bảo, nghĩa là bạn đang bước đi trên con đường hiểu biết và thương yêu như Đức Thế Tôn đã đi. Bạn muốn bước đi trọn vẹn trên con đường cao đẹp ấy, không gì hơn bạn cần phải thực hành “có ý, có tứ” trong mọi lúc mọi nơi. Dù làm bất cứ việc gì bạn cũng nên chú tâm vào công việc đó (ý), và quan sát rõ ràng những gì đang xảy trong hiện thực (tứ). Nghĩa là bạn phải rõ biết mọi hoạt động và trạng thái của thân tâm mình trong thực tại đang là. Ví dụ, khi thực tập yoga hay thái cực quyền, bạn cần phải nhận diện rõ toàn cơ thể của mình đang đứng lên và ngồi xuống, quay qua trở lại đồng thời kết hợp với hơi thở vào, hơi thở ra thì khả năng tập luyện ấy sẽ đem lại kết quả tốt đẹp như bạn mong muốn.

Trong khi lái xe cũng vậy, bạn cần phải quan sát rõ ràng các diễn biến đang xảy ra trên đường đi, để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Nếu như trong khi lái xe mà bạn thiếu ý tứ thì rất nguy hiểm cho bản thân cũng như cho kẻ khác. Và hành động bất cẩn ấy sẽ bị mọi người xung quanh chỉ trích rằng: “Sao anh chạy xe gì vô ý tứ quá vậy”. Nghĩa là, hai bàn tay và con mắt của bạn vẫn đang hoạt động ở đây, nhưng cái tâm thì rong ruổi phiêu lưu một nơi khác chứ không có mặt trong khi lái xe.

Thật rõ ràng, khi con người sống trong mê mờ và lãng quên thực tại thì sẽ tạo ra không biết bao nhiêu là khổ đau cho chính bản thân và cho kẻ khác. Trái lại, nếu bạn sống có tỉnh thức thì không làm tổn thương cho bất cứ một ai. Do đó, để mỗi việc làm, lời nói và sự suy nghĩ của mình đem lại lợi ích cho bản thân và cho cuộc đời này, bạn cần phải thắp sáng “ý tứ” trong mỗi giây mỗi phút, và đây cũng chính là ý nghĩa thâm sâu, thiết thực nhất của việc quy y Tam bảo.

== Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 4 ==

Không có thời giờ để tu tập

Sống trên cuộc đời này, bất cứ ai cũng phải phấn đấu học hành, tích cực tham gia lao động để tạo nên một đời sống ấm no, hạnh phúc cho tự thân và góp phần xây dựng xã hội ngày càng văn minh, phồn thịnh. Dù làm việc bằng tay chân hay trí óc, con người vẫn miệt mài với các ngành nghề của mình để tạo ra của cải vật chất, nhằm đáp ứng các nhu cầu cuộc sống. Tuy nhiên, nếu vật chất sung mãn nhưng lại yếu kém về phương diện tinh thần, thì bạn chưa thể an hưởng hạnh phúc một cách trọn vẹn. Bởi vì, nếu bạn quá bận rộn với công việc mà thiếu vắng sự tu tập thì tâm hồn sẽ trở nên cằn cỗi, khô cứng và đánh mất ý nghĩa của cuộc sống.

Thực tế, đa phần con người vẫn cứ ước hẹn rằng, “chờ khi nào tôi giải quyết xong xuôi mọi công việc lúc ấy mới có thời gian rảnh rỗi để tu hành, còn hiện tại thì chưa thể”. Câu nói này vừa nghe qua cũng có lý lắm, nhưng suy nghiệm cho thấu đáo thì chưa hẳn là như vậy. Bởi vì, công việc thì muôn thuở, bạn giải quyết xong chuyện này sẽ có việc khác phát sinh, chỉ trừ khi bạn không còn sức lực để làm! Mặt khác, niềm hạnh phúc chỉ có mặt khi tâm hồn bạn an tịnh, sáng suốt và vắng bóng bản ngã tham sân si. Nếu bạn làm việc chỉ để đạt được của cải vật chất mà thiếu vắng sự an tịnh nội tâm thì vẫn bị phiền não khổ đau sai sử và trói buộc. Cho nên, cả hai lĩnh vực công việc và tu tập cần phải được đi đôi với nhau.

Có không ít người cho rằng, tu tập là phải đi đến chùa tụng kinh, niệm Phật…còn ở nhà thì không thể thực hiện, và vấn đề tu hành chỉ dành riêng cho những người già cả lớn tuổi, còn người trẻ thì chỉ lo làm kinh tế, sau khi ổn định sự nghiệp rồi mới tính chuyện học đạo, tu hành. Với những quan niệm sai lầm như thế, vô tình người ta đã tự hạn chế phạm vi không gian tu tập và lệ thuộc vào các điều kiện, hoàn cảnh.

Trong khi đó, thực chất của sự tu hành không nhất thiết phải đi đến chùa mới có thể thực hiện, mà chỉ cần bạn hiểu rõ lời Phật dạy thì sẽ biết cách để tùy duyên ứng dụng hành trì. Mặt khác, vấn đề học đạo không phải chỉ dành riêng cho những người già nua, hết khả năng làm việc, mà bất luận già trẻ hay sang hèn đều có tính tham muốn, giận hờn, ganh ghét, đố kị… và khi những yếu tố này hiện hữu thì con người sẽ bất an, khốn khổ! Do đó, đối với tuổi trẻ vấn đề học hỏi đạo lí là hết sức cần thiết, bởi vì tu tập càng sớm thì hạnh phúc sẽ có mặt cho bạn càng nhiều hơn.

== Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 4 ==

Thực tế ở bối cảnh hiện nay, giới trẻ bị áp lực khá nặng nề; từ công việc học hành, kinh doanh thương mại cho đến các mối quan hệ tình cảm đôi lứa¼ diễn ra khá phức tạp. Các em học sinh, sinh viên đi học suốt cả ngày và còn học thêm buổi tối, những nhà làm kinh tế thì phải tìm hiểu nghiên cứu, thu thập thông tin và bổ sung kiến thức nhằm mục đích đạt được lợi nhuận cao. Sự kiện giá cả thị trường biến động tăng vọt, khiến cho các nhà doanh nghiệp cũng phải vắt óc suy tính, phấp phỏng lo âu, sợ hãi¼ dẫn đến các triệu chứng căng thẳng và trầm cảm nặng nề. Lúc bấy giờ, họ phải tìm đến những nơi thắng cảnh để nghỉ mát thư giãn và giải trí, ngõ hầu giúp cho tâm trí được vơi bớt phần nào những rối ren căng thẳng. Nhưng, thực tế cho thấy giải pháp du ngoạn ấy chẳng khác gì lấy đá đè cỏ, chỉ là đối phó tạm thời không thể nhổ tận gốc rễ phiền não tham sân si, cho nên khi họ trở lại với công việc thường nhật thì những uẩn khúc bế tắc từ nội tâm vẫn thường xuyên biểu hiện và xâm chiếm tâm hồn.

Thực ra, sự tu tập chẳng phải lệ thuộc vào thời gian và hoàn cảnh mà đòi hỏi quan niệm về việc tu học của bạn như thế nào? Một ngày có hai mươi bốn giờ, nếu bạn chỉ công phu hành trì trong vòng mấy giờ đồng hồ như thời khóa đã ấn định thì quá ít ỏi, trong khi đó thời gian dành cho công việc, ăn uống, sinh hoạt… lại nhiều hơn.

Bạn thử quan sát hành trạng của các bậc danh Tăng phạm hạnh thì sẽ thấy rõ, mỗi khi liễu ngộ chân lí là các vị ấy đều phải tiếp cận với cuộc đời để giáo hóa độ sinh. Quý ngài giảng dạy từ pháp hội này lại đến hội chúng khác, không bỏ phí thời gian hoằng pháp. Tuy bận nhiều công việc Phật sự như thế, nhưng các ngài vẫn có thể tu niệm ngay trong khi hành đạo mà không bị phụ thuộc vào hoàn cảnh hay bất cứ điều kiện gì cả. Vậy thì, câu hỏi được đặt ra là, bằng cách nào để chúng ta có thể tu tập mọi lúc mọi nơi?

Thực ra vấn đề này chẳng mấy khó khăn, vì ở trong kinh Đức Thế Tôn có dạy rằng:

Này quý vị, đây là con đường duy nhất để giúp chúng sinh thực hiện thanh tịnh, vượt thắng phiền não, tiêu diệt ưu khổ, đạt tới chánh đạo và chứng nhập Niết-bàn. Đó là con đường của bốn phép an trú trong quán niệm. Bốn phép an trú trong quán niệm ấy là những phép nào? Này các vị Khất sĩ! Vị Khất sĩ an trú trong phép quán niệm thân thể nơi thân thể¼ quán niệm cảm thọ nơi cảm thọ¼ quán niệm tâm thức nơi tâm thức¼ quán niệm đối tượng tâm thức nơi đối tượng tâm thức, tinh cần, sáng suốt và tỉnh thức, loại ra ngoài mọi tham dục và chán bỏ đối với cuộc đời…

== Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 4 ==

Khi đi tới hoặc đi lui, vị khất sĩ cũng chiếu dụng ý thức sáng tỏ của mình về sự đi tới hay đi lui ấy; khi nhìn trước nhìn sau, cúi xuống, duỗi lên, vị ấy cũng chiếu dụng ý thức sáng tỏ ấy; khi mặc áo cà sa, mang bình bát, vị ấy cũng chiếu dụng ý thức sáng tỏ ấy; khi ăn cơm, uống nước, nhai thức ăn, nếm thức ăn, vị ấy cũng chiếu dụng ý thức sáng tỏ ấy; khi đi đại tiện, tiểu tiện, vị ấy cũng chiếu dụng ý thức sáng tỏ ấy; khi đi, đứng, nằm, ngồi, ngủ, thức, nói năng, hoặc im lặng, vị ấy cũng chiếu dụng ý thức sáng tỏ ấy vào tự thân. (Nhật tụng thiền môn năm 2000, tr.104)

Thật rõ ràng, bạn chỉ cần nhận biết mọi hoạt dụng của thân tâm và thắp sáng đương tại mà không khởi niệm thêm bớt, nắm bắt, chọn lựa bất cứ điều gì thì đó chính là sự tu hành đích thực. Lời dạy của Thế Tôn rất thực tiễn và cụ thể, giúp cho chúng ta dễ dàng ứng dụng linh động trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống mà không phải phụ thuộc vào các hình thức nghi lễ. Dĩ nhiên, nếu bạn có đủ điều kiện thiết lập một nơi trang nghiêm thanh tịnh để tu niệm thì càng tốt hơn.

Nội dung đoạn kinh trên được thâu tóm với ba yếu chỉ trọng tâm đó là tinh cần, sáng suốt và tỉnh thức. Tinh cần là siêng năng, nỗ lực tu tập liên tục, tâm ý không xao lãng hiện tại. Tuy vậy, tinh cần đúng đắn không phải sự nôn nóng tìm cầu theo sở thích tham muốn; cho dù bạn cố gắng tu luyện thiền định để đạt được một trạng thái an lạc nào đó thì vẫn rơi vào ý đồ tham vọng của bản ngã. Sáng suốt là bạn thấy biết thân- tâm-cảnh như thực, hoàn toàn vắng bóng các ý niệm thêu dệt, thêm thắt hoặc chọn lựa, chiếm hữu.

Tỉnh thức chính là bạn có mặt trọn vẹn với thực tại đang là. Như vậy, tinh cần, sáng suốt và tỉnh thức là thái độ bình thản sáng suốt, không chạy trốn những gì tiêu cực đang xảy ra ở hiện tại và cũng chẳng vướng mắc, chìm đắm khi tiếp xúc với các đối tượng tốt đẹp dễ mến! Bởi vì, bạn mong muốn chiếm hữu là rơi vào tâm tham, còn khởi tâm ghét bỏ loại trừ là tâm sân. Đơn giản, bạn chỉ cần ghi nhận đơn thuần các động dụng đang xảy ra ở thân tâm mình một cách tự nhiên, minh mẫn và sáng suốt thì bạn sẽ được tự do giải thoát.

== Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 4 ==

Muốn hóa giải những trắc ẩn trong tâm mình, thiết lập một lối sống nhẹ nhàng an vui tự tại, không gì hơn bạn cần phải ứng dụng lời Phật dạy vào trong đời sống hàng ngày. Dù bất cứ ở nơi đâu, làm việc gì bạn cũng có thể tu tập được, chỉ cần bạn nhận biết một cách rõ ràng về những trạng thái động tịnh đang xảy ra ở thân tâm mình, thì đó chính là công phu tu tập đích thực theo như lời Thế Tôn chỉ dạy.

Thấy rõ cái ta ảo tưởng

Niềm an lạc hạnh phúc đích thực chỉ có mặt khi trong tâm bạn hoàn toàn vắng bóng cái ta tham ái, chấp thủ. Khi bạn bị nó ràng buộc và sai sử thì đời sống trở nên lẻ loi, khô cứng và mất hết quyền tự chủ. Cái ta ảo tưởng là ý niệm không thuận theo sự vận hành tất yếu của nhân duyên nghiệp quả. Nó đối kháng và loại trừ những gì không phù hợp, hoặc tham đắm chiếm hữu các đối tượng ưa thích, khiến cho bạn không có khả năng làm chủ được chính mình, nên phiền não khổ đau cũng từ đây mà hiện hữu. Bạn muốn thoát ra khỏi sự khống chế của cái ta ảo tưởng tà kiến, tạo nên một cuộc sống an lạc và giải thoát, bạn cần phải thấy rõ ý đồ tạo tác của cái ta trong từng giây từng phút.

Cái ta ảo tưởng là trạng thái mê mờ không thấy rõ những gì đang xảy ra trong hiện thực. Và đây chính là nguyên nhân tạo ra các chủ thuyết tranh chấp gay gắt mà các giáo chủ, các triết gia, các nhà thần học đua nhau tưởng tượng, sáng chế. Đức Thế Tôn gọi những quan niệm này là ngã kiến, ngã thủ. Bạn có thể tạo dựng một cái ta cho riêng bạn rồi mặc sức gán cho nó một số mỹ từ theo thị hiếu và lý tưởng với chủ trương ấy. Nhưng, dù thế nào đi nữa ảo tưởng muôn đời vẫn là ảo tưởng, hoàn toàn không có thật. Tuy vậy, dù bạn có ra công nỗ lực để vượt thoát khỏi cấu trúc tư duy khái niệm của chúng, nhưng thực chất ảo tưởng này đã bám sâu vào tiềm thức và ngự trị tâm hồn bạn, đến nỗi bạn muốn chủ trương “vô ngã” thì nó vẫn cứ âm thầm sai khiến bạn trong mọi hoàn cảnh.

== Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 4 ==

Cái ta ảo tưởng có mặt thì cái “của ta” cũng theo đó mà phát sinh và chúng tạo thành quy trình “ái – thủ – hữu” của vòng luân hồi sanh tử khổ đau, đây chính là cấu trúc kiên cố của nó. Thí dụ, khi bạn đem lòng thương yêu một ai đó và muốn người ấy thuộc về sở hữu của mình mãi mãi, nhưng ban đầu người ấy đồng ý sau đó lại tránh né, phũ phàng và chia lìa, lúc bấy giờ cái ta trói buộc, giam hãm bạn và dĩ nhiên bao nhiêu thống khổ đồng thời hiện hữu. Mặt khác, nếu như người vợ hay chồng của bạn rất xinh đẹp và dễ thương quá thì bạn lại lo lắng, cố thủ vì sợ mất! Như thế, thái độ tham ái, chấp thủ và muốn trở thành là sản phẩm do cái ta ảo tưởng tạo ra để trói buộc bạn.

Vì thế, nếu trong mỗi giây phút bạn không rõ biết những dòng tư tưởng đang khởi lên trong tâm ý mình thì cái ta được hình thành. Và từ đó, mọi hành động, nói năng và suy nghĩ đều tùy thuộc vào sự điều động của chúng. Những gì tốt đẹp dễ mến thì cái ta thu thập, tích lũy, chiếm hữu, duy trì. Cái gì không ưa thích cái ta loại bỏ, khử trừ, xa lánh, hủy diệt. Ví dụ, khi bạn viết ra một tác phẩm khá hay được nhiều độc giả ngưỡng mộ, ca ngợi và quý mến, lúc này cái ta trong bạn xuất hiện sự thỏa mãn, tự hào và tràn đầy niềm hãnh diện. Còn, khi bạn bị ai đó xem thường, sỉ nhục thì cái ta biểu hiện mạnh mẽ để kháng cự, phẫn nộ và muốn loại trừ đối tượng. Cái ta rất tinh tế và thiện xảo, nếu bạn không bình thản, sáng suốt và nhạy bén để nhận diện thì khó mà thấy rõ được mọi hành tung của nó.

Thực ra, nếu bạn biết quan sát cho sâu sắc vào thân tâm và hoàn cảnh hiện tại thì chẳng có cái gì gọi là ta và của ta cả. Bởi các pháp vốn vô thường, nó luôn luôn trôi chảy như một dòng nước, bạn không thể nắm bắt, đo lường hay ước hẹn. Mọi sự vật hiện tượng (pháp) đều phải nương vào nhau để biểu hiện và không có tự thể riêng biệt. “Cái này sinh vì cái kia sinh/Cái này diệt vì cái kia diệt”. Chẳng có cái gì tồn tại độc lập để sinh ra vạn vật cả, bởi vì bản chất của chúng vốn duyên sinh vô ngã. Ví dụ, sự có mặt của một bông hoa được kết hợp bằng nhiều yếu tố không phải là hoa như nước, đất, phân, không khí, ánh sáng mặt trời… Nếu hội đủ nhân duyên thích hợp thì nó hiện hữu, đến khi hết duyên bông hoa ẩn tàng. Do đó, bông hoa không có cái ta riêng biệt và không thuộc về sở hữu của ai cả. Cùng với ý nghĩa này Đức Thế Tôn dạy rằng:

Này các Tỷ-kheo, cái gì không phải của các ông, hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các vị. Này các Tỷ-kheo, cái gì không phải của quý vị? Sắc, thọ, tưởng, hành và thức, không phải của quý vị, hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc.

== Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 4 ==

Ví như, này các Tỷ-kheo, có người gom cành, lá của Jetavana này đem đốt hay tùy duyên sử dụng. Quý vị có nghĩ rằng đem đốt hay tùy duyên sử dụng chúng tôi? Thưa không. Vì sao vậy? Vì những cái ấy không phải chúng con. Bạch Thế Tôn, những cái ấy không thuộc tự ngã chúng con. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, sắc, thọ, tưởng, hành và thức, không phải của các ông, hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó, các ông sẽ được hạnh phúc, an lạc. (Kinh Tương Ưng Bộ III, tr.67)

Chính bản thân mình còn không thể gìn giữ được, vẫn phải tuân thủ theo tiến trình tự nhiên tất yếu của sự sinh, già, bệnh, chết huống gì những tiện nghi vật chất bên ngoài làm sao ta có thể nắm giữ được? Cấu trúc của con người gồm có sắc thân, cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức. Tự thân của năm yếu tố này luôn luôn thay đổi trong từng giây từng phút, không thực sự tồn tại lâu dài và chẳng có cái gì nắm giữ được cái gì cả, chỉ có cái ta ảo tưởng mê lầm mới muốn nắm bắt và cố thủ. Vì lẽ đó, cho nên Đức Thế Tôn dạy rằng:

Vì có ý niệm về ta cho nên có ý niệm về của ta, nếu không có ý niệm về ta thì sẽ không có ý niệm về của ta. Ta và của ta đều là những ý niệm không thể nắm bắt được, không thể thiết lập được. Những nhận thức sai lầm ấy nếu phát sinh trong tâm ta sẽ kết thành  những triền sử. Những triền sử ấy được phát sinh từ những khái niệm không nắm bắt được mà cũng không thành lập được. Phải chăng cái đó hoàn toàn chỉ là những nhận thức sai lầm và những hậu quả nối dài của những nhận thức sai lầm ấy… Nếu qua sáu đối tượng (sắc, thọ, tưởng, hành, thức và thế giới) ấy mà không thấy có cái ta và cái của ta, vị khất sĩ sẽ không bị vướng vào những ràng buộc của cuộc đời. Vì không bị vướng cho nên không hoảng sợ, không hoảng sợ cho nên đạt được Niết-bàn. Vị ấy biết luân hồi khổ đau đã chấm dứt, đời sống phạm hạnh đã hoàn tất, điều cần làm đã làm, không còn bị sanh tử nữa, và nhận thức được chân lý thực tại. (Nhật tụng thiền môn năm 2000, tr.198-199)

Rõ ràng, nếu cái ta nhận thức sai lầm thì cái của ta tức thời hiện hữu. Và như thế, bạn dễ dàng bị nó đánh lừa, sai khiến phải nắm bắt cái này hoặc loại trừ cái kia. Trong khi đó, nguyên lý của các pháp xưa nay vận hành một cách tự nhiên và hoàn chỉnh. Bất cứ người trẻ nào rồi cũng phải già, bệnh và chết; đói bụng thì phải ăn, khát nước cần phải uống; trời hết mưa lại nắng. Rừng cây bị đốn phá, chất thải từ các nhà máy xí nghiệp đến mức báo động khiến cho bầu khí quyển bị ô nhiễm, trái đất ngày càng nóng dần lên thì sẽ tạo ra động đất, sóng thần, lũ lụt, hạn hán… Các pháp vốn vận hành đúng theo tiến trình nhân duyên nghiệp quả tương ứng, chúng ta muốn như thế nào thì pháp vẫn tùy thuận theo như thế đó. Nhưng trớ trêu thay, pháp thì luôn luôn tự do và hoàn hảo còn bản thân con người thì lại khổ đau.

== Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 4 ==

Thực ra, mọi vấn đề xảy ra trong cuộc sống này đều có nhân quả của nó, dù bạn có mặt trên cõi đời này hay không thì mọi thứ vẫn diễn biến thuận theo quy luật tự nhiên. Hơn hết, bạn chỉ cần buông cái ta ảo tưởng ra để cho pháp tự vận hành thì ngay giây phút ấy là an lạc và giải thoát.

Từ bỏ cái ta ảo tưởng bạn không thể dùng lý trí hay ý chí để đoạn trừ nhằm đạt được như ý. Bởi những cố gắng để trở thành ấy vẫn rơi vào ý đồ vi tế của cái ta tham vọng. Đơn giản, bạn chỉ cần lặng lẽ quan sát sự sinh diệt, đến đi của các pháp mà không cần phải làm gì cả, nghĩa là trạng thái tâm ý đang diễn biến như thế nào, bạn nhận biết y như thế đó thì cái ta ảo tưởng tự động rơi rụng. Khi tâm hồn yên tịnh và sáng suốt, bạn sẽ thấy rõ mọi vấn đề tương giao của cuộc sống, để từ đó bạn ung dung tự tại sống tùy duyên thuận pháp, tạo ra niềm an vui hạnh phúc cho tự thân và cho cuộc đời này.

Đi tìm người thương

Nhu yếu của con người là mong muốn tìm ra được người mình yêu thương và được kẻ khác đáp lại tình thương ấy một cách chân thật, thủy chung. Nếu con người sống trên cõi đời này mà thiếu vắng tình thương yêu thì kể như vô vị, chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Do đó, đi tìm đối tượng phù hợp về lối sống và tính cách để được thương yêu chăm sóc sớm chiều là vấn đề vô cùng trọng đại, ít ai có thể lơ là, buông trôi!

Người thương, không hẳn là người xinh đẹp hoặc có bằng cấp địa vị cao trong xã hội, mà chỉ cần người ấy có khả năng thấu hiểu và chấp nhận được lối sống của bạn! Nếu như bạn lỡ dại thương yêu một ai đó vì sắc đẹp, vì giàu sang quyền quý nhưng tính cách giữa hai người không mấy hợp nhau thì chẳng đem lại kết quả tốt đẹp như bạn hằng mong muốn. Vì vậy, đi tìm được một mẫu người tương thích như ý muốn mà mình đặt ra là cả vấn đề hết sức khó khăn, vất vả. Trong thực tế, không có ai hoàn hảo cả, người được mặt này thì lại yếu kém về mặt nọ, hay nói cách khác bản chất của mỗi con người đều có các đức tính tốt đẹp và xen tạp những ý niệm xấu xa khó lường. Nếu trong hiện tại chúng ta không biết tu tập quy chiếu lại chính mình, thì những hạt giống phiền não tiêu cực kia sẽ dễ dàng phát khởi và xâm chiếm tâm hồn. Cũng chính vì lẽ đó cho nên Đức Thế Tôn dạy rằng:

Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ- kheo, đưa đến bất lợi lớn, này các Tỷ-kheo, như tâm không được điều phục. Tâm không được điều phục, này các Tỷ-kheo, đưa đến bất lợi lớn. Và ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến lợi ích lớn, này các Tỷ- kheo, như tâm được điều phục. Tâm được điều phục, này các Tỷ-kheo, đưa đến lợi ích lớn. (Kinh Tăng Chi Bộ, chương I, phẩm Không điều phục)

== Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 4 ==

Thật rõ ràng, nếu chúng ta không biết cách nhận diện, điều phục và làm chủ được tâm ý mình, thì mọi hành động, nói năng ứng xử trong cuộc sống sẽ tùy thuộc vào cái ta tham ái chấp thủ, và dĩ nhiên là đưa tới bất lợi, khổ đau. Ngược lại, khi một người thường trực quán sát thân tâm và chuyển hóa được các ý niệm tiêu cực xấu ác thì mỗi việc làm của họ đều đem lại lợi ích an vui cho cuộc đời. Do đó, phẩm chất toàn hảo của con người được biểu hiện trọn vẹn hay không là tùy vào việc tu niệm của mỗi người ngay trong đời sống hiện tại.

Vậy thì, bạn muốn đi tìm mẫu người lý tưởng để thương yêu và được cùng nhau chia sẻ ngọt bùi, nhưng trong khi đó tâm ý tham vọng chấp ngã của bạn chưa được điều phục, liệu tình thương yêu ấy có đem lại hạnh phúc toàn vẹn hay không? Bởi lẽ, khi chung sống với một người không mấy phù hợp thì bạn sẽ tìm cách tránh né, loại bỏ để đi tìm đối tượng khác, đến khi chọn lựa được người dễ thương xinh đẹp thì bạn lại lo lắng sợ mất và tìm đủ mọi phương cách để chiếm giữ. Như thế, cả hai trường hợp trên đều khiến cho bạn bất an và khổ sở!

Mặt khác, mọi thứ trên cuộc đời này luôn luôn thay đổi, không có gì thực sự tồn tại lâu dài. Thân tâm của chúng ta sinh diệt biến đổi trong từng giây, từng phút cho nên mới dẫn đến sự già nua và tật bệnh. Hoàn cảnh cuộc sống cũng vô thường không khác, có người giàu sang sung sướng rồi lại nghèo khổ túng thiếu, những mối tình tan vỡ chia cách vẫn thường xuyên hiện hữu, và sự kiện sóng thần, động đất, bão lụt xảy ra khắp nơi không ai có thể lường trước hết được. Sự thật của đời sống này là như thế, cho nên dù bạn cố công gìn giữ, níu kéo để cho tình yêu mãi mãi sắc son bền vững thì cũng không thể được. Vì vậy, khi chúng ta nhận thức được điều này thì cho dù gặp bất cứ sự việc gì xảy ra cũng không khiến cho ta phải ngỡ ngàng và sầu khổ.

Thực ra, người thương chỉ có mặt khi bạn biết buông xuống cái ta lăng xăng tìm cầu, chọn lựa cái này hoặc loại trừ cái kia, hay nói cách khác khi trong tâm bạn hoàn toàn vắng bóng cái ta phân biệt, kỳ thị thân sơ thì bạn dễ dàng mở lòng thương yêu tất cả mọi người. Bởi vì, bản chất của các pháp vốn bình đẳng, trong sáng không có sự phân chia tốt xấu, hay dở chỉ vì chúng ta sống trong thất niệm mê lầm, không thấy rõ thực tánh tự nhiên của các pháp nên mới tạo ra chuỗi dài sầu, bi, khổ, ưu não… Vì lẽ đó, cho nên khi Huệ Năng nghe được câu kinh “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” (Kinh Kim Cang) thì ngài thốt lên rằng:

Hà kỳ tự tánh bổn tự thanh tịnh, Hà kỳ tự tánh bổn bất sanh diệt, Hà kỳ tự tánh bổn tự cụ túc,

== Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 4 ==

Hà kỳ tự tánh bổn vô động diêu, Hà kỳ tự tánh năng sanh vạn pháp. Dịch nghĩa:

Đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh, Đâu ngờ tự tánh vốn không sanh diệt,

Đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ,

Đâu ngờ tự tánh vốn không dao động, Đâu ngờ tự tánh hay sanh muôn pháp. (Kinh Pháp Bảo Đàn)

Theo tuệ giác của ngài Huệ Năng thì các pháp vốn đã hoàn chỉnh, chúng luôn luôn vận hành đúng với nhân quả tội phước mà ta đã tạo ra trong hiện tại. Mọi sự vật hiện tượng luôn luôn biến đổi, không có cái gì thực sự đứng yên lại một chỗ. Dòng sông, đám mây, cơn mưa, cây cỏ, ánh nắng mặt trời… chúng có mặt trong nhau, làm nên nhau và không có một cái ta riêng biệt độc lập, cũng chẳng có đối tượng để cho cái ta bám víu trụ chấp. Hay nói cách khác, khi tâm thức của bạn không cấu tạo nên chủ thể (cái ta) thì đối tượng (của ta) cũng không hiện hữu và như thế bạn sẽ ung dung tự tại sống “tùy duyên thuận pháp” vô ngã vị tha.

Để được như thế, bạn chỉ cần có mặt trọn vẹn với những gì mà mình đang tiếp xúc, buông xuống thói quen phản ứng định đoạt để tùy thuận theo tiến trình diễn biến của thực tại đang là. Mỗi khi bản ngã tham sân si không còn hiệu lực chi phối lên đời sống, lúc bấy giờ khả năng chấp nhận và thương yêu của bạn mới thực sự trọn vẹn, vượt ra khỏi ranh giới chọn lựa lấy bỏ. Và nhờ đó, bạn không cần phải bỏ công sức để đi tìm người thương ở đâu cả, vì ở nơi bạn đã sẵn có tình thương yêu đích thực.

Trong thực tế, khi bạn muốn thương yêu một ai đó, trước hết bạn phải biết thương lấy chính mình. Nếu bạn không biết thương yêu chăm sóc thân tâm của mình cho lành mạnh, trong sáng thì làm sao bạn có thể thấu hiểu và cảm thông đối với những người khác? Ví dụ, khi người nào đó nói về bạn một câu hơi nặng lời, nếu giây phút ấy bạn thiếu khả năng trầm tĩnh, sáng suốt để thấy rõ nguyên nhân của sự việc xảy ra thì bạn sẽ phản ứng bằng sự bực bội hoặc chạy trốn hiện thực. Và như thế, bạn không thể trải nghiệm được những bài học thiết thực từ cuộc sống, nên khả năng chấp nhận và lòng thương yêu của bạn đối với mọi người chung quanh sẽ bị hạn hẹp. Vì vậy cho nên, trở về với chính mình, chuyển hóa những hạt giống xấu trở thành tốt, làm tươi mát vườn tâm của mình là vấn đề chính yếu cần phải thực thi để cho vườn tâm tuệ giác trong ta được dễ dàng biểu hiện.

== Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 4 ==

Thiết nghĩ, niềm khát vọng của con người là muốn được một ai đó thấu hiểu, cảm thông và sớm hôm cùng nhau chia sẻ tâm tình là vấn đề hết sức quan trọng không thể thiếu. Tuy nhiên, lòng mong ước này chỉ được thành tựu khi bạn biết chấp nhận những yếu kém của kẻ khác và đặc biệt buông xuống cái ta và cái của ta thì tình thương yêu chân thực tức thời hiện hữu. Hơn hết, bạn không cần phải chờ đợi hay là tìm cầu người thương ở đâu cả, bởi vì sự có mặt của người thương chỉ tùy thuộc vào thái độ sống tỉnh thức trọn vẹn của bạn ngay tại đây và bây giờ.

Học đạo quý vô tâm

Lời dạy của Đức Thế Tôn luôn luôn phù hợp với mọi đối tượng; tuổi tác, trình độ nhận thức và các tầng lớp xã hội khác nhau ở mỗi giai đoạn. Đối với các vị có học thức cao thì Thế Tôn khai thị trực tiếp hoặc lấy một vài thí dụ điển hình nào đó miễn sao người nghe có thể chứng ngộ được đạo quả. Còn đối với tầng lớp nông thôn dân dã thì Ngài thuyết giảng những lời lẽ đơn giản, dễ hiểu và chứng minh bằng hình ảnh cụ thể ngay trong đời sống hiện tại. Chính vì nhận thức của con người có sự sai biệt như vậy, cho nên Thế Tôn đã dùng nhiều phương tiện khéo léo để chỉ dẫn khai thị, giúp cho chúng sinh dễ dàng nhận ra được chân lý của cuộc sống.

Tuy nhiên, để tiếp nhận được những lời dạy cao quý ấy, việc trước tiên người học đạo cần phải nương tựa học hỏi với các bậc minh sư để có thể thực hành đúng như lời Phật dạy. Mặt khác, phải biết buông bỏ thái độ cố chấp vào những quan niệm, nhận thức chủ quan của mình và cũng đừng quá đề cao, tự hào về đường lối chủ trương của một ai đó đặt ra! Hãy để cho tâm hồn vô tư trong sáng thì sẽ khám phá được những cái hay cái đẹp từ pháp môn ta đang tu tập và các truyền thống văn hóa khác. Và, nếu ta chịu mở lòng ra như thế thì đóa hoa tuệ giác sẽ dễ dàng biểu hiện.

Chính vì môi trường hoàn cảnh, văn hóa, đời sống của mỗi người không giống nhau, cho nên giáo pháp mà Đức Thế Tôn giảng dạy cũng được chia ra nhiều pháp môn, tông phái, nhằm đáp ứng thích hợp cho việc tu niệm của từng người. Mặc dù chúng ta tìm chọn cho mình một pháp môn nào đó phù hợp để tu tập, nhưng cần phải tìm hiểu và học hỏi thêm về các pháp môn, tông phái khác để cái thấy được dung thông và sâu rộng. Nếu như bạn thiếu duyên lành thân cận tu học với một người kém sự hiểu biết và khiếm khuyết về phạm hạnh, thì người ấy không đủ khả năng để nâng đỡ, khai sáng cho bạn hiểu được đạo lý giải thoát, và như thế nhận thức của bạn sẽ bị hạn hẹp và đóng khung. Vả lại, nếu bạn không tiếp xúc học hỏi với các truyền thống tu tập khác, thì tư tưởng của bạn dễ mắc phải căn bệnh chấp ngã và chấp pháp; tự cho rằng sự hiểu biết của ta đã đạt đến chỗ thâm sâu và khen ngợi pháp môn ta đang hành trì là đúng nhất. Quả thực, trên bước đường tu tập thì vấn đề này cũng là một trong những chướng ngại to lớn mà người học đạo cần phải trải qua.

== Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 4 ==

Có lẽ vì chưa đáp ứng được tâm nguyện tìm cầu chân lý giác ngộ giải thoát, nên hồi đó thái tử Siddhatta đã từ giã đạo sĩ Uddaka để tiếp tục hành trình tu niệm. Nếu như Siddhatta thỏa mãn với sự tu chứng của mình cũng như ưa thích ở lại trú xứ khi được đạo sĩ Uddaka coi trọng và giao phó trách nhiệm cai quản giáo đoàn, thì Ngài không dễ thành một vị Phật toàn giác miên mãn. Thực tế cho thấy, người học đạo thường hay đối mặt với mọi cám dỗ, hấp dẫn từ đời sống vật chất cho đến các trạng thái hỷ lạc do sự tu tập mang lại. Khi ta thực hành đúng pháp môn sẽ phát sinh ra các trạng thái an lạc và nếu ta thiếu sự giác tỉnh cũng như không có các bậc minh sư kịp thời soi sáng, chỉ bảo thì rất dễ vướng kẹt vào cạm bẫy tinh tế của bản ngã tham sân si. Mặt khác, khi một người tu học chưa thành đạt mà bám trụ lâu dài một trú xứ nào đó thì cũng sinh ra những tư tưởng, đường lối chấp thủ và dính mắc vào các tiện nghi sinh hoạt khác. Có lẽ một phần từ lý do này cho nên Thế Tôn dạy rằng:

Có năm nguy hại này, này các Tỷ-kheo, nếu sống quá lâu tại một chỗ. Thế nào là năm? Đồ dùng nhiều, cất chứa nhiều đồ dùng; nhiều dược phẩm, cất chứa nhiều dược phẩm; nhiều việc làm, nhiều công việc phải làm, không khéo léo trong những công việc gì phải làm; sống lẫn lộn với gia chủ xuất gia, tùy thuận trong sự liên hệ với gia chủ; và khi ra đi bỏ trú xứ ấy, ra đi với sự luyến tiếc. Này các Tỷ- kheo, đó là năm nguy hại nếu sống quá lâu tại một chỗ. (Tăng Chi Bộ II, tr.725)

Sự nghiệp cao cả nhất của người tu là giác ngộ và giải thoát, một trong những ý nghĩa thâm sâu của sự giải thoát là tâm không ràng buộc, không vướng mắc bất cứ điều gì dù đó là cảnh giới Niết-bàn tối hậu hiện ra. Do đó, người học đạo cần phải thường xuyên quán chiếu đến sự nghiệp tu học của mình, không lệ thuộc vào các tiện nghi vật dụng do tín chủ dâng cúng, để mỗi khi thay đổi chỗ cư trú tâm ta được tự do, thảnh thơi không bị vướng kẹt và luyến tiếc. Vả lại, người có tâm hướng đến giải thoát thì đến đi thong dong tự tại, không bận lòng nắm giữ bởi các tiện nghi đã cố công tạo dựng. Nhờ vậy, người ấy mới dễ dàng thực hiện được lý tưởng xuất thế, vượt thoát khổ đau và cứu độ cho mọi loài chúng sinh, xứng đáng được người đời quy kính và cúng dường!

Tuy nhiên, để thực hiện được điều này thì tâm hồn người học đạo phải thực sự vô tư và trong sáng. Dù làm mọi công việc như bố thí, cúng dường Tam bảo, xây dựng chùa tháp, đúc chuông, ấn tống kinh sách… sánh bằng như công lao của vua Lương Võ Đế đã từng cúng dường đi nữa, nhưng nếu với tâm ý rêu rao kể lể, tỏ vẻ ta đây đã đóng góp nhiều công sức hoặc đòi hỏi người nhận phải nhớ ơn, phải thường xuyên thăm hỏi, đặt điều kiện phải thế này hay thế nọ, thì phước đức ấy sẽ trở nên ít ỏi, thậm chí tổn giảm. Ở mức độ cao hơn, nếu người học đạo siêng năng tọa thiền, tụng kinh, niệm Phật, bái sám… nhưng họ lại chấp chặt vào pháp môn tu niệm của mình là đúng nhất và ngược lại xem thường, phê phán pháp môn, tông phái khác… thì vẫn sai lầm và bất an như thường. Bởi đỉnh cao của sự giác ngộ giải thoát chính là Vô tâm.

== Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 4 ==

Có không ít người hiểu lầm hai chữ vô tâm nên họ cố ý giữ tâm trống rỗng không không, hoặc cứ buông xuôi cho tâm tùy tiện rong ruổi, hoặc mặc kệ chuyện đời chẳng màng quan tâm gì cả, và họ cứ tưởng đã đạt đến tự do, tự tại thõng tay vào chợ! Vô tâm, dĩ nhiên không phải là cái tâm đầy mưu kế đã bị bản ngã xen vào lập trình, lại càng không phải trong tình trạng si mê vô ký, lờ đờ, hôn trầm… mà chính là “Tâm địa nhược không tuệ nhật tự chiếu” (Nếu tâm địa được thông thì mặt trời trí huệ tự nhiên chiếu sáng).

Vì vậy, vô tâm là không cố ý dụng tâm kiểm duyệt, mong cầu hay thỏa mãn, vì như thế cái tôi tham ưu đã có cơ hội xen vào. Đối tượng cũng phải tự nhiên, không dụng công vẽ vời thế này hay thế nọ theo ý mình để rồi cố gắng an tâm hay lăng xăng tìm kiếm tâm. Vì một khi ta dựng lên đối tượng thì lập tức nó đã biến thành hữu tâm, hữu sự không còn là vô tâm, vô sự nữa. Chính vì cốt lõi của việc học đạo là quý ở chỗ vô tâm nên nhiều vị Thiền sư đã dạy rằng:“Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền” (Trần Nhân Tông), hay là “Học đạo quý vô tâm, vô tâm đạo dị tầm” (Thiền sư Hương Hải).

Để có được một đời sống an lạc giải thoát, người học đạo cần phải thường trực quán chiếu, giác niệm về các hành động, nói năng và sự suy nghĩ của mình trong mọi lúc, mọi nơi. Khi tuệ giác thực sự được thắp sáng thì ý đồ tham vọng của bản ngã không có cơ hội phát sinh và dựng lập, tâm bạn vượt thoát mọi cám dỗ ái nhiễm và chấp thủ. Cái thấy của bạn trở nên mới mẻ, sâu sắc và nhạy bén, đồng thời biết ứng xử linh động, sáng tạo trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Và nhờ vậy, nên dù bạn tiếp xúc với bất cứ hoàn cảnh ngang trái éo le nào đi nữa, thì bạn vẫn giữ được thái độ an nhiên và tự tại.

== Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 4 ==

Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 4
Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 4

#9. Nếu bạn muốn trao đổi thêm về sách nói hay có ý kiến gì liên quan đến cuốn sách Chinh phục mục tiêu-Bryan Tracy phần 11 đừng ngần ngại để lại dưới comment dưới bài viết này nhé.

Điện thoại: 0888.605.666 / 0932377138

Website: baohiempetrolimex.com |  thegioibaohiem.net

Zalo, Viber: 0932.377.138 / Facebook: Sách nói

 

  • Momo  : 0932.377.138 ( tài trợ cho người viết )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *