Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 1
Lời giới thiệu
Mấy lần gặp thầy Viên Ngộ tôi hoan hỷ thấy thầy quan tâm tham vấn pháp học, pháp hành một cách cặn kẽ, và hoan hỷ hơn nữa khi đọc cuốn Hạnh phúc tùy cách nhìn do thầy biên soạn để chiasẻ sự thấy biết đạo lý nhà Phật của mình với những người đồng đạo.
Những điều thầy viết xuất phát từ tư duy và trải nghiệm của chính mình trong đời sống thực tiễn hơn là chỉ “y kinh diễn nghĩa” như những vị Tăng có học thức khác. Chân lý không dành riêng cho chư Tăng Ni trong các tu viện hay thiền viện, cũng không phải độc quyền của một số vị đạo sư nổi tiếng nào. Chân lý luôn thiết thực hiện tại (sanditthiko) cho những ai ít bụi trong mắt có thể thấy ra bất cứ ở đâu và lúc nào.
Nội dung bài viết
***** Mục Lục *****
Mời nghe đọc tiếp phần: Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 1
Mời nghe đọc tiếp phần: Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 2
Mời nghe đọc tiếp phần: Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 3
Mời nghe đọc tiếp phần: Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 4
Mời nghe đọc tiếp phần: Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 5
Mời nghe đọc tiếp phần: Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 6
===== hết mục lục ===
Chân lý cũng không bị đóng khung trong những quan niệm, công thức, phương pháp hay tông môn nào, cho nên Đức Phật chỉ làm một việc duy nhất để cống hiến cho nhân loại là khai thị sự thật (Svàkhàto Bhagavatà Dhammo), còn giác ngộ hay không thì mỗi người phải tự mình trải nghiệm, chiêm nghiệm, thể nghiệm để khám phá và chứng nghiệm sự thật ngay nơi thực tại đời sống của chính mình.
Chân lý là sự thật tuyệt đối hoàn hảo trong chính nó, còn sự vận dụng thành phương pháp chỉ là phương tiện tương đối và bất toàn, cho nên cái khó là người vận dụng chân lý phải tự mình chứng nghiệm và suốt thông chân lý để có thể tùy cơ ứng biến mà không rơi vào công thức, khuôn định hay mẫu mực lỗi thời. Chân lý thì muôn đời vẫn thế, nhưng sự vận dụng thì luôn biến hóa vô cùng, nên không bao giờ dừng lại ở kết luận hay khẳng định nào mới có thể tùy duyên thuận pháp giữa cuộc đời đầy vô thường biến đổi.
Mỗi người xử lý tình huống một cách khác nhau tùy theo trình độ căn cơ, hoàn cảnh và nghiệp mệnh của họ, người giác ngộ chỉ chia sẻ bằng cách gợi ý giúp họ thấy ra hướng đúng để họ tự học bài học điều chỉnh nhận thức và hành vi qua tình huống đặc thù của họ chứ không đưa ra một giải pháp nào nhất định để họ phải theo.
Giống như em học sinh lớp nào thì giải bài toán của mình theo trình độ lớp đó chứ thầy giáo không giải giúp em bài toán theo kinh nghiệm và học lực của riêng thầy. Tất nhiên khi học lên cao hơn em sẽ có cách giải bài toán ấy tốt hơn, cũng như trên đường tu học mỗi hành giả sẽ điều chỉnh nhận thức và hành vi của mình ngày càng đúng tốt hơn chứ không cần phải áp dụng một mẫu lý tưởng nào cho cái đúng, bởi vì cái đúng lý tưởng đôi khi vẫn là cái sai so với cái đúng thực tế trong vị trí và thời gian nhất định của nó.
Tôi mong rằng những gợi ý chân thành của thầy Viên Ngộ sẽ là những thí dụ điển hình có thể giúp cho nhiều Phật tử nhận ra cách xử lý tình huống riêng của mình trong cuộc sống chân không diệu hữu này.
Sài Gòn, ngày 20-04-2012 Tổ Đình Bửu Long, Quận 9, TP. Hồ Chí Minh
Hòa Thượng Viên Minh
== Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 1 ==
Lời nói đầu
Hạnh phúc tùy cách nhìn là tập sách được kếttập từ những bài viết đã đăng tải trong chuyên mục Phật học của tuần báo Giác Ngộ. Các bài viết này phần nhiều đều có trích dẫn một số đoạn kinh trong kinh tạng Nikàya và A-hàm.
Nội dung tập sách này, người viết trình bày dựa trên giáo lí căn bản cùng với sự tu niệm của tự thân, ngõ hầu giúp cho những người bước đầu học đạo dễ dàng tiếp nhận hành trì, nhằm chuyển hóa phần nào những bế tắc khổ đau vốn dĩ xảy ra trong đời sống thường nhật. Tuy cái nhìn về Chánh pháp chưa được sâu rộng, nhưng với tâm nguyện “hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh”, người viếtvận dụng hết khả năng tu tập quán chiếu của chính mình, nhằm đóng góp phần nào vào sự nghiệp hoằng pháp mà chư Tổ và các bậc thầy đã và đang thực hiện.
Thiết nghĩ, sống trong cuộc đời này dù bất cứ hạng người nào cũng đều có thể gặp phải những khó khăn trắc trở xảy ra, dù ít hay nhiều. Tuy nhiên, hạnh phúc hay khổ đau cũng còn tùy thuộc vào cách nhìn của mỗi con người. Nếu trong mỗi giây phút hiện tại chúng ta sống có chánh niệm tỉnh thức, thì khi tiếp xúc với mọi hoàn cảnh dù ngang trái đến mấy chăng nữa, ta vẫn giữ được thái độ an bình và tự tại.
Dù đã lưu tâm, suy nghiệm để tác phẩm này ra đời đem lại lợi ích an vui cho người đọc, nhưng với khả năng hạn chế của tự thân, người viết chỉ chia sẻ một số khía cạnh trong đời sống thường nhật, chưa trình bày hết những ý nghĩa thâm sâu trong các đoạn kinh đã được trích dẫn.
Ngưỡng mong chư tôn đức và quý bạn đọc hoan hỷ bổ khuyết thêm.
Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Chùa Phước Viên, Biên Hòa, Đồng Nai
Ngày 01-04-2012
Viên Ngộ
== Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 1 ==
Thấy rõ khổ để bớt khổ!
Sống ở cuộc đời này, bất cứ người nào cũng có những nỗi khổ niềm đau, dù ít hay nhiều. Bởi thân thể ta đau nhức là khổ, giận hờn là khổ, tiếc thương cũng khổ… Có rất nhiều yếu tố đem lại cho ta đau khổ, nhưng chung quy đều xuất phát từ chính bản thân của mình.
Khổ là một sự thật hiển nhiên, không một ai có thể phủ nhận lẽ thật ấy (Khổ đế). Bất cứ ở nơi nào trên thế giới này, cho dù ở đó ta có nhiều tiền bạc, bằng cấp, địa vị hay uy quyền thì vẫn bị phiền não và khổ đau chi phối. Bởi mỗi khi ta chưa nhận diện và chuyển hóa được những hạt giống giận hờn, tham lam, buồn tủi, lo lắng, sợ hãi, ghen tị, trách móc… ở trong mảnh đất tâm của mình thì sẽ dễ dàng bị sợi dây phiền não trói buộc và sai sử. Tuy nhiên, hạnh phúc hay vắng mặt khổ đau lại là một sự thật khác (Diệt đế). Nếu như ngay tại đây, ta thấy rõ ràng từng diễn biến xảy ra ở thân tâm mình và hoàn cảnh xung quanh trong trạng thái sáng suốt, khách quan và trung thực thì khổ đau không có cơ hội để biểu hiện. Trong Kinh Tứ niệm xứ, Đức Thế Tôn dạy rằng:
Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời. (Kinh Trung Bộ I, HT. Thích Minh Châu, tr.132)
Nhiệt tâm hay tinh cần ở đây, không phải là sự cố gắng, nỗ lực của cái ta tham vọng, mà chỉ cần không giãi đãi hoặc không hời hợt trong việc chú tâm quan sát đối tượng đang là. Chánh niệm, nghĩa là ta không bỏ quên thực tại hay bị dao động theo trần cảnh, mà luôn trực diện với chính mình. Tỉnh giác, tức là cái thấy biết trong sáng, khách quan, trung thực không bị che mờ bởi do sự điều động của ý thức hay quan điểm, tư tưởng chủ quan.
Vậy thì, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời, có nghĩa là: ta chỉ cần thấu rõ mọi diễn biến ở thân tâm mình cũng như hoàn cảnh đương tại, và có mặt trọn vẹn với chính nó. Hiện cảnh ấy như thế nào ta nhận biết y như thế đó, chứ đừng thêu dệt hay thêm bớt gì nữa cả thì ta không bị bản ngã tham sân si trói buộc.
Thực ra, khổ chỉ xuất phát khi tâm ý vướng mắc vào đối tượng, hoặc có ý niệm muốn loại trừ đối tượng đó. Còn ngược lại, khi ta tiếp xúc với mọi hoàn cảnh, nhưng chỉ ghi nhận đơn thuần thôi mà không khởi tâm muốn chiếm hữu hoặc loại trừ, thì khổ đau không có cơ sở để sinh khởi. Căn bệnh lớn nhất của chúng ta là muốn chiếm hữu các đối tượng thích thú, nhằm thỏa mãn các giác quan, và chạy trốn hay chống đối lại những gì thân tâm không ưa thích.
Đây chính là nguyên nhân tạo ra phiền não và khổ đau. Bởi cố mong cầu để đạt được một cái gì đó thì rơi vào tâm tham lam, và mình ao ước mong muốn cái đó, nhưng giấc mơ ấy không thành tựu thì chắc chắn khổ đau sẽ hiện hữu (cầu bất đắc khổ). Còn, khi ta cố gắng để loại trừ những gì mình cảm thấy khó chịu thì đó chính là cái tâm sân hận. Và nếu, ta muốn dẹp bỏ chúng nhưng không được thì lại khổ hơn (oán tăng hội khổ). Như vậy, trong cuộc sống hàng ngày khi nào ta rơi vào hai trạng huống này sẽ trở nên bế tắc và bất an.
== Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 1 ==
Sở dĩ con người bị khổ đau giam hãm, trói buộc là do không thấy rõ được dòng sinh khởi vận hành của tâm thức. Thực ra, khi trong tâm khởi lên một ý niệm buồn chán, ta chỉ cần thấy rõ và gọi đúng tên nó thôi là đủ. Chào bạn Buồn, dạo này bạn có khỏe không? Mời bạn ngồi xuống uống trà với tôi. Hoặc khi trong tâm khởi lên ý niệm giận hờn ai đó thì mình cũng thấy rõ và gọi đúng tên nó: Chào anh Giận, anh tới tìm tôi đó hả? Nếu mình tiếp đón lịch sự với khổ thì chẳng có gì phải lo ngại cả. Và khi ta đã sống hòa bình, thân thiết cũng như đối xử tốt đẹp với khổ rồi thì có gì xa lạ nữa đâu mà sợ hãi hay chạy trốn? Giống như trong thời chiến tranh, người lính đêm ngày leo đồi, lội suối, băng rừng gian nan vất vả.
Ăn cơm nguội, uống nước sông, ngủ giữa rừng cây, chịu nhiều mưa gió lạnh buốt và họ không biết mình sẽ chết lúc nào vì bom đạn loạn lạc. Sau khi hết chiến tranh, người lính ấy được trở về sống yên bình với làng quê, cho dù đời sống kinh tế của họ gặp khó khăn bao nhiêu chăng nữa cũng không ăn nhằm gì so với lúc còn ở ngoài chiến trường, bởi người ấy đã từng sống chung với khổ và học được rất nhiều kinh nghiệm từ đau khổ.
Do vậy, nhiều khi khổ không hẳn là thứ xấu xa cần phải loại trừ, mà nó là bậc thầy chỉ dạy cho mình thấy ra được giá trị đích thực của cuộc sống. Giống như bông hoa sen kia, sở dĩ nó được thơm ngát tươi đẹp như thế cũng nhờ có bùn lầy tanh hôi, bởi không có bùn thì làm sao có sen? Cho nên bùn lầy nhơ nhớp rất cần thiết để tạo thành những đóa sen tươi mát, đẹp đẽ mà hiến tặng cho cuộc đời!
Thực ra, kháng cự hay phản ứng lại đối tượng là do bản ngã của ta xen vào, còn các pháp thì luôn luôn vận hành đúng theo tiến trình nhân quả của nó. Sở dĩ có việc gì đó xảy ra là do nhiều nguyên nhân đã kết tạo từ trong quá khứ, và bây giờ nó được hình thành. Ví như, khi tiếp xúc với một người, nhưng không biết lý do nào đó mà họ vu oan, la mắng ta. Thông thường ta sẽ phản ứng trở lại để biện minh sự thật, hoặc là chửi họ một trận cho hả dạ, vì cái tội vu oan. Thế nhưng, hành động đó không thể hóa giải và đem lại sự hài hòa cho cả hai phía, mà đôi lúc oán thù lại càng chồng chất lên thêm. Trong trường hợp này, bạn chỉ cần bình thản và nhận diện rõ ràng những cảm thọ sinh khởi ở thân tâm mình là đủ. Khi tâm ý được lắng dịu thực sự, bạn sẽ thấy ra mọi gốc rễ của vấn đề.
== Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 1 ==
Trước hết, họ nói những lời sai với sự thật và không được dễ thương, tức là con người ấy đang đau khổ. Còn, đối với người có niềm an vui hạnh phúc thì họ không bao giờ nói ra những lời lẽ tiêu cực để gây đau khổ cho bất cứ một ai. Thứ đến, người không biết sử dụng ngôn từ dễ thương là người thiếu hiểu biết; bởi tâm trí không được sáng suốt, nên họ hành xử theo lối mòn phản kháng của bản ngã. Và phần còn lại là do sự yếu kém ở nơi mình. Bởi vì, có nhiều khi họ nói với ta một vài câu không được dễ thương, và chỉ xảy ra trong vòng năm phút thôi, nhưng mình ôm ấp cái giận hờn đó suốt cả ngày, để rồi ăn uống chẳng được ngon, ngủ cũng không yên ổn. Ta thật dại khờ luôn bị hoàn cảnh bên ngoài đánh lừa và sai sử. Hầu như, hạnh phúc của bản thân mình nó tùy thuộc vào từng hoàn cảnh bên ngoài; nếu như khi ta gặp sự việc diễn ra suôn sẻ, tốt đẹp thì an vui hạnh phúc, còn ngược lại là đau khổ!
Chúng ta thấy rằng, tất cả những vui buồn, thương nhớ, giận hờn, thông minh, đạo đức… đều thuộc của mọi người, không dành riêng hay ưu tiên cho bất cứ một ai. Thế thì, tại sao khi họ giận hờn, mình lại không đồng ý? Ta muốn người kia chỉ đối xử tốt đẹp, dễ thương với ta thôi thì đâu có được. Bởi nhiều khi mình cũng sử dụng giận hờn, khó chịu để tiếp xử với họ cơ mà! Thực ra, trong tâm thức của mỗi con người đều có đầy đủ những ý niệm tiêu cực và tích cực. Nhưng, đối với người có tâm hồn bình thản và sáng suốt thì biết vận dụng được cái hay, cái đẹp để tiếp xử với nhau. Còn, với người sống trong mê mờ và quên lãng thực tại thì tùy thuộc vào từng hoàn cảnh bên ngoài mà có vui hay buồn.
== Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 1 ==
Để chuyển hóa khổ đau trở thành an vui hạnh phúc, bạn chỉ cần thường trực nhận diện những gì đang xảy ra ở thân tâm mình và hoàn cảnh hiện tại một cách rõ ràng, khách quan và trung thực với chính nó. Không khởi tâm áp đặt và bóp méo hiện thực ấy theo quan điểm chủ quan của mình. Bạn chỉ lặng lẽ quan sát sự sinh diệt, thay đổi của các pháp đến và đi như đang ngắm nhìn dòng sông lững lờ trôi chảy thì sự bình yên và hạnh phúc chân thực sẽ hiện hữu nơi bạn một cách trọn vẹn!
Hạnh phúc tùy cách nhìn
Vạn vật luôn biến chuyển Nương tựa có trong nhau Ẩn tàng hay biểu hiện Tùy ở mỗi cái nhìn.
Mỗi con người hiện hữu giữa cuộc đời này đều có hoàn cảnh sống khác nhau. Người thì của cải dư thừa, ăn ngon mặc đẹp, ngược lại có những kẻ nghèo khổ thiếu thốn mọi bề. Tuy nhiên, về phương diện tinh thần, dù người ta có nhiều tiền bạc đến mấy chăng nữa, nhưng không có cái nhìn sâu sắc vào đời sống hiện thực thì cũng khó tìm ra được hạnh phúc trọn vẹn. Còn đối với những người tuy đời sống lam lũ, nhưng tâm hồn luôn thanh thản và trong sáng thì vẫn có thể thừa hưởng được những cái hay, cái đẹp vốn có trong cuộc đời này. Vì thế, hạnh phúc hay khổ đau còn phải tùy thuộc vào cách nhìn nhận của mỗi người!
Sống trên đời ai mà chẳng mong muốn mình có được ấm no, hạnh phúc? Người ta không chỉ cầu mong cho bản thân, mà còn ao ước cho những người thân quen cũng được an lành và sung túc. Có lẽ vì nhu cầu đó, nên con người mới dùng hết khả năng của chính mình để suy tính làm ăn, hy vọng tương lai sẽ được tươi sáng, huy hoàng.
Cách suy nghĩ này có lẽ chưa thỏa đáng, vì nếu mãi hướng đến hạnh phúc ở tương lai thì vô tình chúng ta bỏ quên đi những gì đẹp đẽ, an vui đang có trong hiện tại. Đơn cử như ông bà, cha mẹ, anh chị em… và nhiều điều kiện khác nữa cũng là yếu tố tích cực để làm nên hạnh phúc. Thế nhưng, ta không chịu tiếp nhận và thừa hưởng, để rồi một ngày nào đó khi người thân yêu xa lìa, chia cách ta lại hối tiếc trong sự muộn màng! Có thể nói rằng, lối sống hờ hững với người thân và lãng quên những gì ta đang có là sự thiếu sót và thiệt thòi vô cùng lớn lao cho những ai sống thiếu an trú trong hiện tại.
Thói quen của chúng ta là khi việc này làm chưa xong lại lo tính tới những công việc khác. Thậm chí đến lúc ngồi vào bàn ăn rồi, nhưng tâm tư vẫn chưa được yên ổn. Công việc luôn luôn hối thúc ta phải ăn cho nhanh để còn phải đi làm cái này hoặc giải quyết chuyện nọ. Và cứ thế, ta bận rộn suốt cả cuộc đời, đến khi tắt hơi thở rồi nhưng mọi chuyện vẫn chưa giải quyết xong. Có lẽ vì quá bận rộn và lo lắng như thế, cho nên sống trên cuộc đời này ít ai có thể an hưởng được niềm an vui trọn vẹn.
== Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 1 ==
Thực ra, bất cứ ai cũng phải làm việc cho dù ít hay nhiều. Tuy nhiên, đối với người có cái nhìn thấu đáo được mọi vấn đề của cuộc sống thì ngay trong mỗi việc làm của họ đều có thể đem lại sự an vui mà không cần phải chờ đợi sau khi hoàn tất công việc, đó là sự thật. Và điều này đòi hỏi chúng ta cần phải chiêm nghiệm từ bản thân mình để thấy ra được lẽ thật ấy. Có những người đặt hi vọng rằng, nếu mình đi tới ở được nơi môi trường đó và sống chung với con người đó, chắc chắn sẽ có hạnh phúc lớn. Thế nhưng, khi về sống với nhau rồi lại có những nỗi khổ niềm đau khác phát sinh. Và như vậy, ước mơ kia chỉ là bóng dáng của cái ta ảo tưởng bày vẽ ra, còn sự thật thì lại khác biệt. Do đó, hạnh phúc là thái độ sống tùy thuộc vào mỗi người chứ không nhất thiết phải thay đổi hoàn cảnh hoặc vì những điều kiện khách quan khác.
Hạnh phúc trước hết là người có tâm hồn trong sáng và tự do. Tâm tư người ấy không bị vướng kẹt vào những chuyện đã xảy ra trong quá khứ và chẳng bận lòng trông ngóng hay chờ đợi bất cứ việc gì ở ngày mai. Bởi cả hai khuynh hướng này đều không có thực, nếu tâm tư người nào thường bị vướng kẹt vào hai ý niệm trên thì cuộc sống trở nên bất an khốn khổ. Chính vì lẽ đó, nên Đức Phật dạy rằng:
Quá khứ không truy tìm Tương lai không ước vọng. Quá khứ đã đoạn tận, Tương lai lại chưa đến, Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính ở đây.
Không động, không rung chuyển Biết vậy, nên tu tập,
Hôm nay nhiệt tâm làm, Ai biết chết ngày mai? (Kinh Trung Bộ III, tr.442)
Bài kinh trên cho chúng ta thấy rằng, hạnh phúc được làm bằng chất liệu của hiện tại. Và chỉ cần tiếp xúc trọn vẹn với những gì đang có mặt trong hiện tại, ta có thể tận hưởng được niềm an vui một cách toàn vẹn, không cần phải chờ đợi gì nữa cả! Mặt khác, mạng sống của con người quá mong manh và giả tạm, không ai có thể biết chắc rằng, mình sẽ tồn tại được bao lâu trên cõi đời này. Do đó, hứa hẹn và trông chờ những gì tốt đẹp ở ngày mai là suy nghĩ vô cùng sai lầm, làm uổng phí và thiệt thòi cho cả một kiếp người!
== Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 1 ==
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta cần phải biết nhìn lại chính mình để khám phá và thừa hưởng những gì đang có. Ví dụ ta có hai con mắt sáng là điều kiện rất lớn để đem lại hạnh phúc, nhưng đôi lúc ta không hề để ý tới và chẳng biết trân quý đến nó. Khi con mắt dính bụi bặm hoặc bị thương tích bởi tai nạn xe cộ thì ta mới thấy được sự hiện hữu và giá trị của đôi mắt vô cùng lớn lao.
Chúng ta thừa biết rằng, có những người do phước đức thiếu kém, khi sinh ra đã bị mù lòa cả hai mắt, suốt cuộc đời họ chẳng bao giờ nhìn thấy người thân quen, đất trời, cỏ cây và sông núi. Mơ ước lớn nhất của họ là chỉ cần nhìn thấy được người thân yêu và cảnh vật xung quanh thôi cũng cảm thấy hạnh phúc lắm rồi, chứ không đòi hỏi gì thêm nữa cả!
Trong khi đó, chúng ta có hai con mắt sáng trưng, muốn ngắm nhìn cái gì cũng được; bầu trời trong xanh, đám mây trắng bay lơ lửng, hàng cây xanh tươi ven đường, hoa mai vàng nở rộ, dòng sông uốn lượn quanh co chuyên chở những cụm hoa lục bình lững lờ trôi chảy và còn nhiều vẻ đẹp thiên nhiên khác nữa. Thế nhưng, ta lại chối bỏ niềm hạnh phúc đó, để rồi than thân trách phận và muốn phải như thế này hay được như thế nọ thì quả thật uổng phí biết bao!
Để có cái nhìn sâu sắc và thấu triệt được mọi vấn đề của cuộc sống, bạn chỉ cần lặng lẽ quan sát thân tâm mình và hoàn cảnh đương tại một cách rõ ràng, khách quan và trung thực. Dù bất cứ ở đâu, tiếp xúc với ai bạn cũng nên quan sát như thế. Mọi sự việc diễn biến ra như thế nào bạn ghi nhận y như vậy, không cần phải sử dụng thêm phương pháp gì nữa cả.
Việc quan sát này không để cho tâm ý xao lãng hoặc buông lơi đương tại, và chẳng cần phải nỗ lực để đạt được một mục đích cao siêu nào. Bởi nhiều khi sự cố gắng ấy là do “cái tôi” âm thầm tạo dựng ra, để thỏa mãn cho cái tôi vi tế hơn, chứ chưa phải phương pháp hữu hiệu giúp cho ta vượt thoát sanh tử khổ đau. Chỉ đơn giản là, khi đi thì rõ biết mình đang đi, ngồi xuống nhận biết toàn thân ta đang ngồi xuống, khi nâng tách trà lên uống, bạn nhận biết hương vị thơm ngon của trà, thế thôi!
== Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 1 ==
Thật giản dị và tự nhiên, không cần phải làm theo một quy định hay nguyên tắc nào cả. Khi tâm ý không bị vướng kẹt vào đâu, ngay trong giây phút ấy bạn được tự do, an lạc và giải thoát. Lúc bấy giờ cái nhìn của bạn đối với cuộc đời này không còn oán trời trách người nữa, mà chỉ có cái nhìn thương yêu và trân quý.
Đôi bàn tay khéo léo
Đôi bàn tay của chúng ta có khả năng cầm nắm mọi thứ và làm tất cả các công việc như là lái xe, nấu ăn, rửa chén bát, dọn dẹp nhà cửa, sử dụng computer, cắm hoa, viết thư pháp, uống trà… Mỗi khi một bộ phận nào trên thân thể có nhu cầu, thì đôi bàn tay đáp ứng ngay mà không chần chừ, do dự hay phân biệt, tính toán. Đôi bàn tay thật dễ chịu, ngoan hiền và chấp nhận dưới sự điều động của tâm ý cho dù việc làm ấy có nặng nề hay là dơ bẩn.
Có biết bao nhiêu là cái đẹp giữa cuộc đời này đã nhờ đôi bàn tay làm nên. Những dãy nhà cao tầng đồ sộ, con đường chạy dài trải nhựa bóng loáng sạch đẹp, hàng cây xanh tươi bên đường, những cánh đồng ruộng bát ngát thơm mùi lúa chín… tất cả cũng đều do đôi bàn tay cần cù, siêng năng làm ra cả.
Mỗi khi thân thể bị đau nhức, mỏi mệt thì đôi bàn tay tự động xoa bóp làm cho vùng bị nhức mỏi ấy được lắng dịu, thư thái và trở nên khỏe khoắn. Khi thân ta đi đứng bất cẩn bị té ngã, thì đôi bàn tay lập tức chống đỡ để bảo vệ an toàn cho thân thể mà ý thức chưa kịp thời chỉ dẫn, điều động.
Mặt khác, đôi bàn tay còn biết chăm sóc cho nhau. Mỗi khi cánh tay phải bị tai nạn chấn thương, thì bàn tay trái tự động ân cần chăm sóc và thay thế làm tất cả mọi công việc nặng nhọc, nhưng nó không bao giờ phân biệt hay tính toán. Chao ôi! Đôi bàn tay thật là khéo léo tuyệt vời biết bao!
Tuy đôi bàn tay làm nhiều việc như vậy, nhưng nó vô tư và rất là tự do. Bởi khi có công việc đến thì làm, xong rồi là chẳng cần nắm giữ lại cái gì cả, vì thế nên nó luôn luôn được rảnh rang và thảnh thơi. Và nhờ không cầm giữ một vật gì trong tay, nên đôi bàn tay mới có công năng cầm nắm và làm tất cả mọi việc. Nếu như hai bàn tay đang nắm giữ khư khư một vật gì đó, cho dù là vàng bạc hay những thứ quý giá khác mà không chịu để xuống, vậy thì đến khi đói bụng làm sao ăn cơm hay uống trà được? Vì vậy cho nên, sở dĩ đôi bàn tay có khả năng làm được nhiều việc khác nhau như thế, là nhờ nó biết buông xuống ngay sau khi đã hoàn thành công việc. Đó chính là sự khéo léo, diệu dụng và thông minh của đôi bàn tay!
== Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 1 ==
Trong khi đó, tâm ý ta lại tệ hơn đôi bàn tay, mặc dù nó đại diện cho cả một thân thể của con người, và đóng vai trò chủ đạo đứng đầu trong tất cả các giác quan. Khi có vấn đề xảy ra, tâm ta không biết cách để giải quyết thông minh như đôi bàn tay. Bởi nó nặng nề thói quen chấp thủ và ôm ấp những nhận thức mà trước đó đã thu nhận được. Thói quen lưu giữ, cố chấp, vướng mắc vào những việc đã qua và mơ tưởng, nôn nóng với những gì chưa đến là căn bệnh khó chữa ở tâm ý của con người. Vì thế cho nên, khi vua Dũ Tôn (1706-1729) tới hỏi đạo lý với thiền sư Hương Hải, thì vua được thiền sư dạy cho bài kệ rằng:
Nhạn quá trường không,
Ảnh trầm hàn thủy. Nhạn vô di tích chi ý, Thủy vô lưu ảnh chi tâm. Dịch nghĩa:
Nhạn liệng giữa không, Bóng chìm dưới nước.
Nhạn không để dấu ở lại, Nước chẳng lưu bóng làm chi.
(Thích Mật Thể, Việt Nam Phật giáo sử lược, tr.186)
Đại ý của bài kệ mà thiền sư Hương Hải muốn nói với vua rằng: Việc gì tới thì tùy vào đó để giải quyết, nhưng sau khi đã hoàn thành công việc, thì ta phải biết buông ra để cho tâm hồn rảnh rang, vô sự. Cũng giống như con chim kia nó bay ngang qua hồ nước, nhưng không để lại dấu vết gì trong hồ nước cả, và ở dưới hồ nước ấy cũng chẳng lưu giữ hình bóng con chim mà làm chi. Vì vậy cho nên, hồ nước luôn luôn giữ được sự trong xanh, tĩnh lặng và có một không gian thênh thang, yên bình.
Lời dạy của thiền sư rất cụ thể rõ ràng, tuy đơn giản nhưng lại thật là sâu sắc. Bởi lời dạy ấy, ở nơi mỗi con người của chúng ta thường hay bị mắc phải. Tâm lý vướng bận và tự hào về thành quả của mình làm ra, đồng thời muốn chiếm hữu và gìn giữ với những gì ta ưa thích, thì hầu như đó là căn bệnh muôn thuở của kiếp người. Chúng ta cần phải biết rằng, mỗi khi trong tâm mình bị ràng buộc bởi những ưu tư, lo lắng, giận hờn, trách móc, ghen tị thì yếu tố hạnh phúc, an vui sẽ vắng mặt.
Tâm không được rảnh rang, tự do như đôi bàn tay thì sự hiểu biết sẽ bị hạn hẹp, cục bộ và trở nên nhận thức sai lầm, phiến diện về hoàn cảnh hiện thực. Do đó ta không thấu hiểu được tâm trạng của những người thân chung quanh một cách sâu sắc, nên tình cảm dễ dàng bị đổ vỡ, chia lìa. Ta cứ ngỡ rằng, những quan điểm, nhận thức của mình là hoàn toàn đúng, nên tỏ ra tự mãn, xem thường người khác. Nào ngờ đâu, những kiến thức khô cứng ấy không đủ khả năng để tháo gỡ những bế tắc mà ta thường bị vướng kẹt trong đời sống hàng ngày. Vạn vật vốn luôn luôn thay đổi và mới mẻ, nhưng do cái nhìn hạn hẹp, cục bộ nên ta thấy chúng là thường còn, vì thế nên sinh tâm tham muốn, chấp thủ.
== Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 1 ==
Cũng do thói quen phản kháng của bản ngã thường áp đặt và làm méo mó cái thực tại đang là, nên ta không đủ khả năng sáng suốt để thấy rõ được giá trị đích thực của sự sống.
Mỗi ngày, bạn nên nhìn vào đôi bàn tay của mình để thấy được sự khéo léo thông minh và tự do của nó. Từ cái nhìn ấy sẽ giúp cho bạn soi chiếu lại chính mình, và để lắng nghe từng dấy khởi ở nơi thân tâm, đồng thời giúp bạn thấy ra được những thói quen dựng lập của bản ngã. Mỗi khi tâm tư bạn được lắng đọng thanh tịnh, thì quy trình chấp thủ của cái ta sẽ được phá vỡ, và lúc bấy giờ những bận rộn, bon chen, tranh giành và chấp thủ tự động rơi rụng, mở ra một cái nhìn mới về cuộc đời.
Bạn sẽ thấy được rằng đất trời, cỏ cây, hoa lá, cơn mưa, dòng suối… đều phải nương tựa vào nhau để sinh trưởng, nhưng chúng chẳng cần phải gìn giữ hay là vướng kẹt nhau. Đám mây trắng vẫn thong dong bay đi tự tại, dòng sông thì đêm ngày êm ả chảy ra biển khơi, và khi hội đủ điều kiện thì cơn mưa xuất hiện để hiến tặng sự mát mẻ, xanh tươi cho cỏ cây và hoa lá. Vạn vật thiên nhiên trong vũ trụ làm việc với nhau một cách hài hòa như vậy, nhưng chúng vẫn thong dong và tự tại từng cá thể.
Để có cái nhìn sâu sắc vào trong đời sống hàng ngày, nhằm đem lại niềm an vui và hạnh phúc, thì bạn cần phải biết trở về với chính mình để nhận diện những gì đang xảy ra ở thân tâm và hoàn cảnh đương tại một cách khách quan, rõ ràng và trung thực. Nhờ tiếp xúc sâu sắc với thực tại đang là, nên những ý niệm lo lắng, buồn tủi của quá khứ và những ảo tưởng, trông ngóng đến tương lai không có cơ sở để sinh khởi, do đó tâm bạn được an bình và thư thái. Mỗi khi tâm ý được tĩnh lặng, trong sáng thì sự hiểu biết và tình thương sẽ được biểu hiện. Mà điều kiện tất yếu để có được an vui, hạnh phúc là hiểu và thương!
Do vậy, chúng ta không dại khờ gì mà ôm ấp, cưu mang những ưu tư, lo sợ, buồn tủi, trách móc, ghen tị… làm bít lấp cả tâm hồn để rồi tạo nên khổ đau, hệ lụy. Mà ta phải biết buông xuống như đôi bàn tay khéo léo; việc gì tới thì giải quyết, xong rồi là buông ra chẳng cần nắm giữ lại cái gì cả. Nếu như trong mỗi giây phút của đời sống hàng ngày, ta biết vận dụng khéo léo như đôi bàn tay, thì cuộc sống của chúng ta sẽ được an lành và hạnh phúc!
== Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 1 ==
Cái đẹp thuở ban đầu
Trong cuộc sống, mỗi người đều có cơ hội tiếp xúc với những cái đẹp, dễ thương, hồn nhiên và thơ mộng. Những yếu tố mới mẻ ban đầu ấy, dù là đối với vật chất hay tinh thần đều để cho chúng ta lưu tâm và trân quý. Mong ước được làm quen và yêu thương với một người nào đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất cuộc đời. Và khi khát vọng ấy được thành tựu thì những cái tốt đẹp, thiện lành, niềm tin và sức sống trong ta hiện hữu, dâng trào. Có lẽ khoảnh khắc sinh động đó là chất liệu ngọt ngào để xây dựng hạnh phúc lứa đôi, cho nên thi sĩ Thế Lữ mới nói rằng: “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy/Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên”. Nhà thơ khẳng định rằng,giây phút đẹp tuyệt vời ở buổi ban đầu ấy có thể kéo dài đến cả ngàn năm cũng chẳng ai quên được.
Và sự thật cho thấy, khi người con trai hoặc người con gái lớn lên ở độ tuổi lập gia đình, họ thường biểu lộ các tính cách dễ thương nhằm tạo ấn tượng đẹp đẽ để người khác phái cảm tình và thương mến! Khi chàng trai nhìn thấy tính cách nhẹ nhàng, duyên dáng và lễ độ của cô gái thì đem lòng cảm mến, quý trọng. Đối với người thiếu nữ cũng thế, mỗi khi tiếp chuyện với chàng thanh niên có tính tình điềm đạm, hiền hòa, có phong cách và tài năng thì cô ta nghĩ rằng, đây là người mà mình có thể gửi gắm thương yêu và nương tựa suốt cả cuộc đời. Do đó, họ đem hết cả tâm tư tình cảm dành trọn cho nhau, tạo niềm tin vững chắc để xây đắp duyên nợ trăm năm.
Tuy nhiên, sự thật của cuộc sống thì lại khác. Không ít người dễ dàng quên đi kỷ niệm đẹp đẽ ở thuở ban đầu và xem thường những gì họ đang có trong hiện tại, để rồi cứ mãi trông ngóng, chờ đợi và ảo tưởng đến một ngày mai. Thực tế cho thấy, có những cặp vợ chồng đã sớm chia tay vì không biết nuôi dưỡng, chăm sóc hạnh phúc mà trước đó họ cho là đẹp nhất trần gian! Mặc dù trong quá khứ đôi nam nữ ấy đã từng tìm hiểu kỹ càng về lối sống của nhau và có khá nhiều kỷ niệm vàng son đẹp đẽ. Ấy thế, sau khi thành thân rồi thì họ lại chẳng biết trân quý và giữ gìn. Có phải chăng, khi người kia chưa thuộc về mình thì đem lòng ao ước và mong đợi, đến khi “no xôi, chán chè” rồi ta lại tỏ ra thờ ơ, lạnh nhạt và xem thường? Có lẽ vì thế nên trong cuộc sống hàng ngày, họ ứng xử với nhau thiếu vắng chất liệu tươi mát, nhẹ nhàng và quý mến.
Từ đó, sự nhàm chán ngày càng lớn dần lên và cuối cùng mỗi người phải tự đi tìm cho mình một phương trời mới lạ, hấp dẫn hơn.
== Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 1 ==
Giá như cái đẹp ở thuở ban đầu ấy cứ duy trì mãi cho đến một ngàn năm như thi sĩ nói, thì chắc chắn chúng ta sẽ có được hạnh phúc trăm năm rồi. Nhưng thực chất chẳng bao giờ được như vậy cả, vì tất cả các sự vật hiện tượng trong đời sống này luôn luôn thay đổi, không có gì thực sự cố định. Do đó, chúng ta an vui hạnh phúc hay bất hạnh khổ đau là tùy thuộc vào thái độ sống của chính mình ngay trong mỗi phút giây hiện tại.
Có lẽ khi yêu thương một ai đó, ta quá tưởng tượng, vẽ vời người ấy với nhiều đức tính tốt đẹp như một vị Thánh, đến lúc về chung sống với nhau không giống như mình mong muốn thì trở nên thất vọng và khổ đau. Nếu như chúng ta biết rằng, người ấy trong tương lai sẽ đổi thay, có thể tốt hơn hoặc xấu hơn, thì sau này lỡ có xảy ra điều không vừa ý ta không quá ngỡ ngàng hoặc oán trách ai cả. Đằng này, ta lại yêu thương một con người trong trí tưởng tượng hơn là con người thực của chính anh ấy (hoặc cô ấy), cho nên thất vọng và khổ đau trong ta mới hình thành.
Thực ra, việc đổ vỡ hạnh phúc gia đình chủ yếu là do thiếu hiểu biết của cả hai phía. Khi chúng ta thiếu khả năng lắng nghe, thiếu sự định tĩnh và ít khi nhìn lại chính mình, thì tình thương dễ bị dục vọng thuộc bản bản năng điều động và sai sử hơn là tình thương chân thực. Do đó, muốn thiết lập hạnh phúc lâu dài thì đòi hỏi cả hai người phải biết chấp nhận nhau và cùng nhìn về một hướng.
Đề cập đến vấn đề nền tảng của hạnh phúc lâu dài, Thế Tôn dạy:
Này các gia chủ, khi cả hai vợ chồng muốn thấy mặt nhau trong đời này và cũng muốn thấy mặt nhau trong những đời sau nữa, cả hai người cùng có niềm tin, cùng giữ giới, cùng bố thí, cùng tu tập trí tuệ thì trong đời hiện tại được thấy mặt nhau, và trong các đời sau, các người cũng được thấy mặt nhau. (Kinh Tăng Chi Bộ I, tr.668)
Chất liệu để gắn bó tình nghĩa vợ chồng sống đầm ấm bên nhau, đó chính là niềm tin. Niềm tin kiên cố là một trong những điều kiện căn bản để gắn kết hạnh phúc gia đình. Có rất nhiều cặp vợ chồng đã sớm chia tay vì không biết tin tưởng lẫn nhau. Chồng nghi ngờ vợ quan hệ bất chính với kẻ khác, và ngược lại người vợ ăn không ngon ngủ cũng không yên khi thấy chồng mình cứ đi làm về trễ hơn giờ quy định.
== Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 1 ==
Những nghi ngờ không thực tế ấy tạo ra mối lo âu, sầu khổ cho cả hai phía, làm tổn thương nghiêm trọng đến tình nghĩa vợ chồng. Thế nên, khi hai người cùng đặt hết niềm tin chân thật về nhau là nhịp cầu vững chắc để kết nối tình thương yêu và xây dựng hạnh phúc lâu dài.
Để xác lập niềm tin kiên cố, đòi hỏi chúng ta phải sống đúng với các chuẩn mực đạo đức mà mỗi quốc gia, xã hội đã quy định. Cao hơn một chút nữa là phát tâm quy hướng Tam bảo và thọ trì năm giới. Năm giới là nền tảng căn bản đạo đức, giúp cho chúng mở rộng lòng thương, trân quý sự sống. Và điều kiện tất yếu để việc làm của mình mang lại lợi ích thiết thực cho mọi người, đó chính là sự tu tập để phát huy tuệ giác.
Nhờ có trí tuệ mà mọi hành động, nói năng và suy nghĩ của mình trở nên chân thật, hữu ích, tạo niềm tin vững chắc cho người khác nương tựa, học hỏi và hướng thiện. Vì mỗi lời nói, cử chỉ của chúng ta biểu hiện trong đời sống hàng ngày đều là bài pháp thoại thực tiễn không lời, tỏa chiếu lòng thương yêu, khiến cho những ai có cơ duyên tiếp xúc cũng đều rơi rụng các phiền muộn lo âu. Do đó, đối với người có sự hiểu biết thâm sâu sẽ tạo ra tình thương yêu cao đẹp, chân thật mà không phải là thứ tình “thương hại”. Thương mà không hiểu thì sẽ hại mình và hại cho kẻ khác.
Theo tuệ giác của Thế Tôn, nếu chúng ta muốn thấy rõ mặt nhau, quý mến nhau ở trong hiện tại và mãi mãi về sau, không gì hơn là tu tập trí tuệ. Vì, cho dù một ai đó giàu sang quyền quý đến mấy chăng nữa, nhưng không biết cách tu tập để chuyển hóa tham dục, sân hận, ích kỷ, buồn chán… thì con người ấy sẽ thiếu vắng niềm tin yêu và hạnh phúc. Chỉ có tu tập trí tuệ mới phá vỡ khối u mê tham dục sâu dày trong ta, giúp tâm hồn vượt thoát mọi buộc ràng của bản ngã tham sân si, xây dựng tình thương yêu đích thực. Vì thế, mỗi khi tâm hồn bình thản và sáng suốt thật sự thì chúng ta trở nên bén nhạy, linh động trong việc ứng xử, phù hợp với hoàn cảnh thực tế của cuộc sống. Đồng thời chúng ta dễ dàng hiểu rõ tâm trạng, tình cảm sâu kín của những người xung quanh, để thông cảm và chia sẻ những nỗi khổ niềm đau mà họ đang mắc phải.
== Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 1 ==
Như vậy, việc gìn giữ và phát huy cái đẹp ở thuở ban đầu nhằm tạo dựng đời sống hạnh phúc ngay trong hiện tại và mãi mãi về sau không gì hơn là thực hành bố thí, trì giới, tu tập trí tuệ và chánh tín. Hay nói cách khác đơn giản hơn, bạn nên thường trực quan sát thân tâm mình và rõ biết những gì đang xảy ra ở phút giây hiện tại. Việc gì đến bạn căn cứ vào hiện thực ấy để giải quyết, xong rồi thì xả buông, thân tâm nhẹ nhàng và thanh thản. Được như thế, cuộc sống của bạn sẽ tràn đầy niềm an vui, tự tại ngay trong đời này và mãi mãi về sau.
Biết chấp nhận nhau là hạnh phúc
Mỗi một con người hiện hữu trên cõi đời này, ai cũng có cơ hội chung sống với những người thân yêu của mình, hoặc tiếp xúc và làm việc chung trong một cơ quan nào đó. Ta không thể sống tách rời mọi người xung quanh mà tồn tại được, cho dù ta có đầy đủ tiện nghi vật chất đến mấy chăng nữa, nhưng nếu thiếu vắng những người thân quen, đời sống sẽ trở nên trơ trọi, khô khan và vô vị. Khát vọng lớn nhất của con người là có được niềm an vui và hạnh phúc.
Nhưng, để đáp ứng nhu cầu đó thì khi chung sống với nhau, đòi hỏi chúng ta phải hiểu được tính tình cũng như chấp nhận những yếu kém, vụng về của nhau mới có thể đem lại niềm hạnh phúc cho cả hai phía. Tuy nhiên, chấp nhận và sống hòa hợp bên nhau là cả một vấn đề rất lớn, mà mỗi người cần phải chiêm nghiệm và thường trực nhìn lại chính mình để thấy được sự thật ấy.
Trong tâm thức của mỗi người có hai đức tính căn bản, đó là thiện và bất thiện. Sở dĩ tính tình không được lương thiện là do tâm ý mê mờ và lãng quên thực tại. Vì không rõ biết mình đang làm gì, nên nói năng và hành động dễ dàng phạm phải sai lầm, tạo ra phiền não khổ đau cho bản thân mình và gây tổn thương đến cho mọi người chung quanh. Mặt khác, khi tâm ý bất tại thì việc hành xử với nhau sẽ thiếu vắng phong thái nhẹ nhàng, thân thương và hòa nhã.
Từ đó, làm mất đi sự truyền thông giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ đối với chồng, anh chị đối với người em… Do đó, nếu tâm thức chưa được thắp sáng và ta không thấy rõ mọi hoạt dụng của thân tâm mình như thế nào thì bản tính lương thiện, hiền hòa và dễ mến trong ta không có cơ hội để biểu hiện. Và dĩ nhiên, đời sống sẽ trở nên lẻ loi, buồn tẻ, vì ít ai dám đến gần để trao đổi, tâm tình. Ngược lại, nếu biết vận dụng cái tâm chân thật, lương thiện để đối xử với nhau, ta sẽ được nhiều người thương mến và quý trọng. Từ đó, tạo niềm tin vững chắc cho mọi người tìm đến nương tựa, học hỏi cũng như chia sẻ với nhau những kinh nghiệm thăng trầm trong cuộc sống!
== Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 1 ==
Đức tính hiền thiện là cái đẹp đẽ, trong sáng và dễ thương nhất vốn sẵn có nơi mỗi người. Ta chỉ cần lặng lẽ quan sát rõ ràng từng hoạt động của thân tâm mình thì phẩm chất thanh lương và tinh túy kia sẽ hiện hữu. Tâm lương thiện không chỉ là việc bố thí, giúp đỡ cho một ai đó qua cơn đói nghèo túng thiếu mà mỗi hành động, lời nói và suy nghĩ phải luôn luôn có sự định tĩnh và sáng suốt. Bởi vì, nếu tâm ý ta chưa thực sự yên tịnh và không thấy rõ được sự vận hành tương giao từ bản thân mình và cuộc đời này, thì mọi hành vi trong đời sống đều có thể bị lệ thuộc vào “cái tôi”, và chỉ để phục vụ cho nó mà ta cứ ngỡ rằng, đó là hành động của điều thiện. Đơn cử, khi ta giúp đỡ cho một người nào đó có công ăn việc làm ổn định, nhưng họ không biết tri ân, ngợi khen mà còn biểu hiện thái độ xem thường và cao ngạo thì lập tức cái tôi kia sẽ phát khởi sự giận hờn, ghét bỏ hoặc trừng phạt đối tượng.
Ngược lại, người phát huy được đức tính hiền thiện, trong sáng thật sự thì đời sống sẽ trở nên nhẹ nhàng an vui, phước báu ngày càng tăng trưởng và thọ mạng dài lâu. Mặt khác, người ấy có khả năng đóng góp những kinh nghiệm quý giá làm lợi ích cho cuộc đời, và đồng thời họ biết cách để sống tốt với những người chung quanh mà không gây ảnh hưởng gì xấu đến bất cứ một ai. Còn đối với người tính tình nặng nề chấp thủ, vì tưởng rằng nhận thức của mình đúng đắn, nên không chịu mở lòng để tiếp xúc, học hỏi những cái hay, cái đẹp cũng như sự trải nghiệm của người khác thì khi tiếp xử với nhau trở nên khắt khe, cục bộ và hạn hẹp.
Chúng ta thừa biết rằng, là một con người phàm phu thì ai cũng có những lầm lỡ, vụng về và yếu kém. Trong tâm thức người anh, người chị của mình luôn luôn có những đức tính dễ thương biết chăm chỉ học hành, siêng năng làm việc, ân cần chăm sóc khi người thân bị bệnh hoạn, tính tình hiền hòa dễ chịu và sẵn sàng tha thứ cho một ai đó phạm phải lỗi lầm. Tuy nhiên, người ấy vẫn còn nhiều thói hư tật xấu khác chưa được chuyển hóa như là đố kị, dễ nổi giận, tự ti mặc cảm, thiếu sự định tĩnh, suy nghĩ bồng bột…
Từ những tiêu cực đó nên dẫn tới việc xung đột, bất hòa và cuối cùng đành phải chia lìa tình nghĩa anh em, vợ chồng và bè bạn! Vậy thì, người kia có những yếu kém và vụng về như thế, còn đối với bản thân mình chẳng lẽ không có phần tiêu cực đó hay sao? Nếu như ta không biết chấp nhận và tha thứ lầm lỡ cho người khác, làm sao người kia có thể chấp nhận phần yếu kém và thô thiển ở nơi mình?
== Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 1 ==
Trong quan hệ giao tiếp với bạn bè hoặc người thân trong gia đình, có nhiều khi ta cũng giận hờn, bực bội và nói ra những lời nặng nề, chua chát cơ mà! Không những chỉ sử dụng bằng ngôn từ gay gắt, ta còn tỏ ra thái độ trách móc, sân hận qua ánh mắt, dáng đi và mọi biểu hiện khác nữa. Những hành vi như thế đều có thể khiến cho người thân thương của mình chịu nhiều buồn tủi và đau khổ. Đó là sự thật mà bất cứ người nào nếu như tâm trí không được bình lặng và trong sáng thì rất dễ dàng tạo ra hệ quả bất thiện.
Tuy nhiên, tâm lý tiêu cực không hẳn là thứ nhất thiết phải loại bỏ, mà đôi lúc nó rất cần để cho chúng ta biết trở về và chiêm nghiệm lại chính mình. Bởi vì thái độ bực bội và giận hờn của người kia sẽ giúp ta hiểu rõ hơn về tính chất và tai hại của cơn giận. Từ đó, ta rút ra được bài học thiết thực quý giá, giúp ta có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc tháo gỡ bế tắc giữa bản thân mình và người khác, tạo nên sự hanh thông tốt đẹp và thăng hoa cuộc sống.
Thực ra, bạn không cần phải mong cầu đời sống của mình cứ mãi êm đềm, suôn sẻ, bởi vì những chướng ngại gian khó là điều kiện tất yếu để giúp cho bạn rèn luyện đức tính hy sinh, sự kham nhẫn và lòng thương yêu được tăng trưởng. Và sự thật của cuộc đời là như vậy, bạn không thể tìm ra ở một nơi nào đó mà không có những khó khăn tiêu cực, trừ khi tâm hồn bạn hoàn toàn vắng bóng bản ngã tham sân si.
Để thiết lập sự truyền thông, hầu mang lại nguồn an vui giữa những người thân yêu trong gia đình và dễ dàng chấp nhận thương mến nhau, việc trước tiên bạn phải thấu hiểu được chính bản thân mình. Mỗi hành động, lời nói và cách suy nghĩ của bạn đều phải dựa trên sự định tĩnh và sáng suốt. Tâm không bị vướng kẹt vào những điều lệ, quy ước hoặc loại trừ, ghét bỏ bất cứ đối tượng nào, mà chỉ nhìn nhận bằng thái độ khách quan và trung thực với chính nó, bạn sẽ thấy ra quá trình diễn biến của thân tâm mình cũng như hoàn cảnh đương tại một cách rõ ràng và tường tận. Lúc bấy giờ tâm bạn vượt thoát mọi hệ lụy khổ đau, sống ung dung tự tại để làm lợi ích cho cuộc đời, đồng thời lối hành xử của bạn đối với mọi người xung quanh sẽ toát lên sự nhẹ nhàng, thân thương và êm đẹp!
== Hạnh phúc tùy cách nhìn phần 1 ==
#9. Nếu bạn muốn trao đổi thêm về sách nói hay có ý kiến gì liên quan đến cuốn sách Chinh phục mục tiêu-Bryan Tracy phần 11 đừng ngần ngại để lại dưới comment dưới bài viết này nhé.
Điện thoại: 0888.605.666 / 0932377138
Website: baohiempetrolimex.com | thegioibaohiem.net
Zalo, Viber: 0932.377.138 / Facebook: Sách nói
-
Momo : 0932.377.138 ( tài trợ cho người viết )